Với ChatGPT, Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời

Khánh Nguyễn-Thứ hai, ngày 13/02/2023 19:05 GMT+7

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, những công nghệ như ChatGPT chắc chắn sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành Giáo dục.

Chiều 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục". Tọa đàm có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

Vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người.

CNTT trong nhiều thập kỷ qua mang lại rất nhiều lợi ích, những sự ra đời của những công nghệ mới, công cụ mới đều giúp cho công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành Giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.

Với ChatGPT, Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Tọa đàm.

"Trong thời kỳ COVID-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu.

Trước kia, ngành Giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, có câu nói "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ, lúc đầu rất nhiều người lo lắng, từ sự ra đời của radio, tivi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến. Nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Cuối cùng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều giúp xã hội, đặc biệt ngành Giáo dục đều có những bước tiến lớn", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, chắc chắn trong mỗi người sẽ có trải nghiệm ở mức độ khác nhau. Để nhìn rõ bản chất của ứng dụng đó, đứng từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục cần làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung, cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhận định rằng, những công nghệ như Chat GPT chắc chắn sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành Giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.

Với ChatGPT, Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời - Ảnh 2.

Tọa đàm có sự sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ.

"Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi như thế nào, và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Tại sao chúng ta hào hứng với những công nghệ mới như thế?

Trả lời cho câu hỏi trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: "Vì công nghệ cho phép chúng ta chia sẻ thông tin, kiến thức và có thể sau này cả tri thức. Sự khác nhau giữa vật chất và phi vật chất là vật chất càng dùng nhiều thì càng tiêu hao và càng giảm giá trị; nhưng dữ liệu, thông tin, kiến thức, tri thức thì càng chia sẻ nhiều càng giá trị. Bản chất CNTT phát triển thành công là vì vậy. Một thông tin chục người biết thì giá trị chừng này nhưng n người biết thì giá trị có lẽ không chỉ cấp số nhân mà có thể ở cấp số mũ".

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành Giáo dục là không chỉ chia sẻ thông tin mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức. Từ trước đến nay, ngành Giáo dục vẫn thực hiện sứ mạng này, phát triển tri thức, chia sẻ, lan tỏa tri thức, vì vậy lợi ích của giáo dục lớn như vậy. Càng chia sẻ nhiều tri thức thì càng làm giàu cho mọi người dân, cho xã hội. Tri thức không bị bào mòn đi, càng chia sẻ thậm chí càng phát triển.

"Nhưng ngày nay chúng ta có công nghệ. Công nghệ dần dần làm thay chúng ta một số việc. Thứ nhất là xử lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, thông tin và bắt đầu một phần giúp chúng ta tổng hợp và chia sẻ kiến thức. Có thể ở đâu đó, chúng ta mong chờ trí tuệ nhân tạo làm được đúng như cái tên của nó, đáng lẽ hiện nay chỉ gọi là kiến thức nhân tạo thôi, chứ còn đến trí tuệ nhân tạo mức cao nhất chắc là còn con đường dài. Chúng ta không nghĩ nó làm được tất cả thay con người.

Với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đây là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hai hướng như vậy. Đây là một cơ hội rất lớn mà chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời. Tất nhiên, tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào ra bắt kịp tương lai lâu dài. Nhưng trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ", Thứ trưởng Sơn nói và cho rằng. cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó".

Với ChatGPT, Bộ GD&ĐT sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.

Cho rằng công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, Thứ trưởng Sơn khuyến khích dùng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn về ChatGPT. "Khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi như ChatGPT làm. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GDĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời".

Trong các nhà trường, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc là rất cần thiết. Trung tâm thiết kế dạy và học, hỗ trợ dạy và học chứ không chỉ có các người thầy đơn độc như từ trước đến nay, từ soạn bài giảng, giáo án, sách giáo khoa, giáo trình, lên lớp giảng dạy, kiểm tra đánh giá… qua đó giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc này và đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như là bình đẳng trong giáo dục. Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, sẽ hướng tới tất cả những hoạt động này.

Kết lại, Thứ trưởng Sơn cho rằng, ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và để làm sao cuối cùng chúng ta mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Và tất cả chính sách cũng đều hướng đến ý nghĩa đó. Giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường. Đó là những chính sách mà Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh.

"Chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo', lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói tại Tọa đàm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước