Những năm gần đây, với sự bùng nổ của các ứng dụng công nghệ thông tin, người trẻ có nhiều cách để thể hiện tình yêu với lịch sử nước nhà. Khái niệm "lịch sử môn học khô khan, khó nhớ" dần nhường chỗ cho những cách tiếp cận mới mẻ, thú vị hơn.
Các trường học, lớp học cũng có những cách riêng để thắp lửa tình yêu lịch sử nước nhà đối với các em học sinh thông qua những cuộc thi, ứng dụng học lịch sử trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Năm 2022, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình học phổ thông theo Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT Chương trình giáo dục phổ thông. Hiểu được chủ trương, định hướng của Bộ GD & ĐT, cùng tinh thần tiên phong, mong muốn mang lại cơ hội củng cố kiến thức toàn diện cho học sinh phổ thông như đã cam kết, Tập đoàn FPT đã nhanh chóng xây dựng nội dung và đưa vào sân chơi Violympic môn Lịch sử.
Sau 1 năm nghiên cứu và phát triển, Violympic đã thành công mang tới cách tiếp cận Lịch sử mới mẻ cho các em học sinh tiểu học thông qua hình thức học - thi hoàn toàn mới. Với cách thiết kế các câu hỏi thi sáng tạo, bám sát chương trình học, Violympic đã truyền tải kiến thức lịch sử một cách sinh động, lôi cuốn, khơi dậy hứng thú và sự say mê tìm hiểu cho học sinh.
Giao diện thi môn Lịch sử Violympic.
"Đây là năm đầu tiên em tham gia thi môn Lịch sử lớp 5 của Violympic. Em thấy rất thích thú khi các kiến thức lịch sử trên lớp được đưa vào bài thi dưới dạng các thử thách, trò chơi nên có thể vừa ôn luyện kiến thức, vừa giải trí. Bên cạnh đó, để đạt được kết quả cao trong kỳ thi, em cũng chủ động đọc thêm sách, tìm hiểu về lịch sử để có thể chinh phục hết các bài thi trong vòng thi. Chính vì chủ động đọc, tìm hiểu nên em cũng ghi nhớ các thông tin và sự kiện tốt hơn." - Em Đặng Dương Anh Thư (Lớp 5A5, Trường Tiểu học Đống Đa) chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Ngọc Lan - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 - Trường Tiểu học Đống Đa chia sẻ, việc tham gia thi môn Lịch sử giúp các con ghi nhớ câu chuyện, dấu mốc lịch sử thông qua các câu hỏi, bài thi tốt hơn so với việc học bị động. Ngoài ra, môn Lịch sử có mặt tại vòng thi cấp Quốc gia cũng khiến cho các em học sinh cảm thấy tự hào khi học lịch sử, thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc hiểu lịch sử nước nhà và Lịch sử không còn là một "môn phụ bị bỏ rơi" nữa.
Dù là năm đầu tiên góp mặt tại cuộc thi trực tuyến Violympic, và chỉ tổ chức ở 2 khối 4 và 5, nhưng môn Lịch sử đã thành công thu hút hơn 100.000 thí sinh tham gia ở vòng thi các cấp, với hơn 10.000 em học sinh chinh phục vòng Quốc gia. Tại buổi Lễ trao giải Violympic Quốc gia năm học 2023 - 2024, Ban tổ chức ghi nhận 1301 học sinh đạt giải, trong đó bao gồm: 100 giải Vàng; 201 giải Bạc; 400 giải Đồng và 600 giải Khuyến khích.
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng ghi nhận hơn 3 triệu học sinh tham gia tranh tài ở tất cả các môn, các cấp, với hơn 130.000 học sinh lọt vào vòng Quốc gia và 23.857 thí sinh xuất sắc đạt giải.
Thành công của Violympic đã phần nào chứng minh hiệu quả của phương pháp học tập mới, kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và ứng dụng công nghệ. Thay vì học thuộc lòng những trang sách dày đặc, học sinh được tiếp thu kiến thức thông qua hình thức thi đấu trực tuyến, kích thích tư duy sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!