Vận động tài trợ đầu năm học mới lên đến hàng trăm triệu đồng là thực tế về các khoản thu và vận động của trường tiểu học và trường THCS Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ được nhiều khán giả phản ánh lên đường dây nóng của Chuyển động 24h. Việc vận động đóng góp này thực sự là tự nguyên hay bắt buộc; nhà trường có dấu hiệu của lạm thu hay không?
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Ngọc Hởi (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) cho hay: "Kế hoạch vận động cho hoạt động học tập: hơn 70 triệu đồng; cơ sở vật chất: hơn 129 triệu đồng. Ở lớp 7A1, cô giáo bắt chia số tiền này trên đầu học sinh, bắt buộc đóng ‘cào bằng’ 100%".
Năm nay, ngoài các khoản thu theo quy định như học phí, phí gửi xe; hay các khoản dịch vụ như: tiền điện, tiền nước…, nhà trường còn huy động thêm khoản này với số tiền gần 200 triệu đồng, nếu chia ra, mỗi em học sinh cần đóng thêm 450.000 đồng.
Anh Trần Ngọc Hởi (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết thêm: "Khoản vận động ủng hộ không thể cào bằng cho 458 học sinh toàn trường được. Có những nhà có điều kiện thì họ có thể ủng hộ nhiều, nhưng có những nhà hoàn cảnh khó khăn, tiền đóng học còn không có thì không thể ủng hộ như thế này. Giáo viên không thể yêu cầu đóng như nhau được".
Theo người dân phản ánh, tại trường tiểu học Tuy Lộc, phụ huynh cũng phải đóng thêm một khoản dưới hình thức vận động tài trợ - tổng số tiền cũng lên đến hơn 320 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Lộc (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) bức xúc: "Tôi đi họp, thấy mức thu năm nay vẫn ở mức cao. Từng mức thu là quá nhiều, tôi không thể nhớ hết được. Năm ngoái, tôi phải đi vay tiền để đóng học đầu năm cho các cháu. Năm nay, tôi chưa lo được nên chưa đóng".
Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Hoa (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) nói: "Người ta đã phổ biến ở ngoài. Mình chỉ biết là bảo như thế nào nộp thế thôi, cũng không biết thế cụ thể".
Tuy nhiên, trao đổi trực tiếp với trường THCS Tuy Lộc, đại diện nhà trường khẳng định: Khoản vận động tài trợ đầu năm là không hề bắt buộc. Việc không ghi rõ điều này trong bản kế hoạch thu - gửi đến các bậc phụ huynh, là thiếu sót của nhà trường.
"Chúng tôi vận động làm trong kinh phí như vậy. Đây là tự nguyện, không hề bắt buộc. Phụ huynh nào không đóng thì cũng không sao cả. Số tiền vận động tài trợ chúng tôi cũng sử dụng vào mục đích nâng cao cơ sở vật chất, tất cả đều có dự toán kinh phí chi tiết", bà Lê Thị Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ khẳng định.
Cũng theo bà Đức, kế hoạch vận động tài trợ với số tiền hơn 200 triệu đồng cũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phê duyệt cùng bảng dự toán chi tiết kế hoạch chi cho công tác giáo dục của trường.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Trà - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê, Phú Thọ nêu rõ: "Riêng kế hoạch tài trợ vận động, tất cả đều phải được Phòng Giáo dục phê duyệt. Khi triển khai, việc này phải được toàn bộ phụ huynh đồng thuận thì mới được thực hiện các khoản thu".
Rõ ràng, việc vận động kinh phí để tăng cường về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị học tập để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy là điều cần thiết, nhưng vận động như thế nào, cần sự đồng thuận của phụ huynh ra sao có lẽ vẫn là điều các trường phải đặt lên hàng đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!