Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 11/12/2024 22:07 GMT+7

VTV.vn -Ngày 11/12 đã diễn ra Hội thảo “AI và tương lai giáo dục đại học” (AI4Edu) nhằm chia sẻ những nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong môi trường giáo dục.

Hội thảo "AI và tương lai giáo dục đại học" (AI4Edu) do CLB Các Khoa - Trường - Viện CNTT-TT Việt Nam (FISU Việt Nam) kết hợp cùng trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) và trường Đại học CMC tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS Nguyễn Sơn Hải, Cục Trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT; TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT, Bộ TT&TT; PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam…

Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo “AI và tương lai giáo dục đại học” (AI4Edu) tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Diễn giả tham gia sự kiện là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo như PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam, GS.TS Lê Sỹ Vinh - Chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học CMC, PGS.TS Phạm Văn Cường - Chủ nhiệm Khoa AI, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Cloud, TS. Lương Ngọc Hoàng - Chủ nhiệm bộ môn AI, Trường Đại học CNTT, ĐHQG TP Hồ Chí Minh...

Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học - Ảnh 2.

Các diễn giả tham luận tại chương trình

Phát biểu khai mạc sự kiện, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành CNTT, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam cho biết: "Hội thảo AI4Edu là một cơ hội để các chuyên gia thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm triển khai và ứng dụng AI trong giáo dục đại học. Hội thảo cũng mong đợi các chuyên gia đầu ngành trao đổi những định hướng quan trọng về sự hỗ trợ của công nghệ AI trong xây dựng chương trình đào tạo cũng như quản trị đại học, hướng tới một tầm nhìn xa hơn để giáo dục trở thành một nền tảng cho đổi mới sáng tạo".

Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành CNTT, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam phát biểu khai mạc

Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định: "Tại thời điểm này, đặt ra vấn đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục là rất phù hợp. Bởi đây là một vấn đề sẽ còn nhiều tranh cãi và phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác. Đây cũng đồng thời là một không gian tiềm năng, tạo ra lợi thế riêng với các nguồn dữ liệu mang tính chủ quyền của Việt Nam trong phát triển trí tuệ nhân tạo".

Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tại sự kiện

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của AI trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học và đặc biệt là đào tạo AI gắn với doanh nghiệp thông qua 6 tham luận: "Báo cáo đề dẫn về nhu cầu ứng dụng cũng như giảng dạy AI tại các trường ĐH ở Việt Nam: thách thức và cơ hội", "Giảng dạy AI tại các trường đại học ở Việt Nam", "Ảnh hưởng AI trong giảng dạy", ""Đào tạo AI gắn với doanh nghiệp", "Ứng dụng AI hỗ trợ giải đáp cho giảng viên và sinh viên về công tác đào tạo".

Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học - Ảnh 5.

PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học CMC trình bày về sản phẩm trợ lý đào tạo AI đang được đưa vào thử nghiệm tại trường Đại học CMC.

Chương trình nối tiếp với phiên tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường đại học" giữa các chuyên gia, nhà khoa học bao gồm: TS. Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam; ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT; GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CMC; TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội; TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Ứng dụng thực tiễn của AI trong môi trường giáo dục đại học - Ảnh 6.

Phiên tọa đàm diễn ra sôi nổi với câu hỏi của các đại biểu tham dự

Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, được ban hành năm 2021, đã vạch ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI ở Đông Nam Á và toàn cầu vào năm 2030. Các diễn giả khẳng định, sự kết hợp giữa công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI và các vấn đề khoa học, học thuật sẽ tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, học viên có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới.

Hội thảo mang ý nghĩa quan trọng khi đưa ra những phương hướng và chiến lược liên quan tới nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo cho sinh viên và giảng viên, tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, hướng đến một hệ sinh thái giáo dục đổi mới và hiệu quả hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước