Đại học Cửu Long là trường ngoài công lập thành lập vào năm 2000, sớm nhất ở ĐBSCL. Ban giám hiệu nhà trường cho biết chỉ tiêu tuyển sinh mấy năm gần đây đều hoàn thành kế hoạch Bộ giao. Tuy nhiên để đạt kết quả đó, đơn vị đã phải đầu tư rất tốn kém cho khâu tư vấn tuyển sinh hàng năm. Vì thế, các trường ngoài công lập đều phấn khởi với quyết định bỏ điểm sàn năm nay. Thế nhưng ĐH Cửu Long mong muốn Bộ GD-ĐT có những chính sách rõ ràng để tránh tình trạng lạm phát trong tuyển sinh và chấm dứt sự phân biệt đối xử về chính sách dành cho sinh viên công và tư.
Qua 20 năm thành lập, đến nay hệ thống các trường ĐH-CĐ ngoài công lập chiếm hơn 1/5 tổng số cơ sở giáo dục, đào tạo gần 15% tổng số sinh viên cả nước. Đại học ngoài công lập mang lại nhiều sự lựa chọn và phát huy nguồn lực của xã hội để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia đầu ngành, từ khi ra đời đến nay, loại hình này vẫn chưa được tạo điều kiện đủ để phát triển. Chưa kể chất lượng giáo dục của các trường cũng rất chênh lệch. Một số trường chưa quan tâm đến chất lượng, từ đó dẫn đến những định kiến xã hội đối với sinh viên ngoài công lập, ảnh hưởng đến cả các trường chất lượng cao.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ đề xuất Việt Nam nên có chương trình kiểm định chất lượng về bằng cấp của tất cả các trường Đại học trong nước. Có như vậy, các trường tư cũng như trường công sẽ phải hết sức lo làm thế nào để có đủ trang thiết bị, có đủ giáo viên để mà dạy tốt, học tốt và bằng cấp có chất lượng.
Số liệu tổng hợp về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 cho thấy, tỷ lệ thí sinh nhập học của cả nước chỉ đạt gần 80% so với tổng chỉ tiêu được duyệt. Có đến 40/90 trường ngoài công lập tuyển đạt dưới 50% kế hoạch. Như vậy có thể thấy, dù đã bỏ điểm sàn và tăng tính tự chủ, nhưng năm 2014 này, áp lực về nguồn tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập vẫn còn đó.