Từ vụ bạo hành trẻ: Yêu cầu công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non

Theo VOV-Thứ tư, ngày 06/12/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở mầm non thông tin tên giáo viên, bằng cấp chuyên môn trên cổng thông tin điện tử tại các quận, huyện để người dân giám sát.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) về thực trạng trên.

Từ vụ bạo hành trẻ: Yêu cầu công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non - Ảnh 1.

Lớp mẫu giáo Mầm Xanh - nơi diễn ra vụ việc bạo hành trẻ (ảnh cắt từ clip)

Thưa ông, thực tế việc gửi trẻ mầm non hiện nay được diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Minh: Hiện nay, các trường mầm non chủ yếu đều nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vì việc nhận trẻ từ 6 tháng tuổi gặp khó khăn, không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...

Mới đây, TP HCM có nhận đề án từ năm học 2016-2017 tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. Chỉ có các cơ sở mầm non đủ điều kiện mới dám nhận trẻ, bởi độ tuổi này cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Những vụ bạo hành xảy ra đối với trẻ mầm non khiến dư luận rất bức xúc. Để xảy ra những vụ bạo hành nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Minh: Việc để xảy ra các vụ bạo hành trẻ em có nguyên nhân là việc cấp phép cho các cơ sở, nhóm lớp có vấn đề. Ngoài ra, các tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo cho sự an toàn của trẻ không đạt, việc xử lý giám sát kém.

Chỉ khi nào cộng đồng mạng, các cơ quan truyền thông đưa ra các vụ bạo hành mới xử lý là muộn. Điều này cho thấy, việc giám sát chưa đủ để giáo viên và cán bộ quản lý thấy sự răn đe, sẽ bị phạt nghiêm nếu vi phạm.

Thậm chí, nhiều khi giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà họ không biết đó là vi phạm, hoặc là các giải pháp để phòng tránh như thế nào.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục.

Yêu cầu các cơ sở mầm non thông tin tên giáo viên, bằng cấp

Đối với các trường tư thục mầm non do chính quyền địa phương cấp phép và quản lý, ông có kiến nghị gì trong công tác phối hợp thanh kiểm tra các cơ sở này để phát hiện kịp thời những vụ bạo hành trẻ xảy ra?

Ông Nguyễn Bá Minh: Ngay sau khi sự việc bạo hành trẻ tại trường lớp mầm non Mầm Xanh ở TP HCM được nêu ra, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với Vụ Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP HCM đề xuất giải pháp tổng rà soát lại việc cấp phép, điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ trong các trường lớp tư thục, tăng cường giám sát cả người cấp phép, cơ quan cấp phép và cả giáo viên. 

Từ vụ bạo hành trẻ: Yêu cầu công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT)

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các trường, nhóm lớp trên cả nước tăng cường sử dụng triển khai camera, đường dây nóng để giám sát việc chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các cơ sở thông tin tên giáo viên, bằng cấp chuyên môn của họ cũng cần được công khai trên cổng thông tin điện tử tại các quận, huyện để người dân giám sát. Bởi ở các trường tư thục, đôi khi giáo viên thay đổi công việc liên tục. Sự giám sát này cũng cần được thực hiện ở các trường công lập.

Cụ thể với ngành Giáo dục đang có những giải pháp căn bản nào để đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Minh:  Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non là những đề xuất giải pháp lâu dài, được Chính phủ, ngành giáo dục và toàn xã hội đang quan tâm, nỗ lực, dần thay thế các lớp tư thục bằng các cơ sở đảm bảo chất lượng uy tín.

Để chăm sóc trẻ tốt thì giáo viên có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại, chế độ chính sách giáo viên mầm non chưa đảm bảo, các giáo viên rất vất vả, áp lực cả về thời gian và công việc. Tiền lương của giáo viên chưa thỏa đáng so với công sức các cô xảy ra.

Vấn đề trên cũng đang được ngành giáo dục đề xuất để cải thiện đời sống cho giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác và chăm sóc trẻ tốt hơn.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng đang chú trọng đến việc phát triển mạng lưới trường lớp mầm non. Bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục để thu hút người dân có điều kiện kinh tế tham gia vào công tác này thì Bộ GD-ĐT cũng đề xuất với Chính phủ có những chính sách ủng hộ các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vùng miền khó khăn để trẻ em được đi học mầm non và được chăm sóc tốt.  

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước