Suốt 10 năm, Hiếu cõng Minh đến lớp. Ảnh: Dân trí
4.000 ngày rong ruổi đến trường, đứng trên bục giảng giải bài
Khi còn học phổ thông, mỗi ngày, hai cậu học trò Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh (ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đều dậy từ 4h30 để cùng chuẩn bị đi học. Điều đặc biệt ở đôi bạn cùng tiến đó là trong suốt 10 năm qua đã cõng nhau đến trường.
Không ai nói với ai nhưng cả hai em đều thống nhất sẽ đăng ký học cùng trường, cùng lớp với nhau. Hiếu và Minh chọn học cấp 1, cấp 2 và thi cùng một trường cấp 3. Những giờ học trên lớp, nếu Minh phải lên bảng giải bài thì Hiếu sẽ cõng bạn và đứng đó chờ đến khi bạn làm xong bài tập.
Hồi đầu năm 2020, Hiếu quyết định đồng hành với Minh theo học cùng trường đại học sẽ tiện đường đưa đón bạn. Thế nhưng, quyết định này bị Minh quả quyết từ chối để Hiếu được thực hiện ước mơ từ bé của mình.
Bước qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Ngô Minh Hiếu dự thi khối B với số điểm 28,15 (Toán 9,4; Hóa 9,75 và Sinh 9,0) và hi vọng sẽ đỗ ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội như ước mơ của mình. Trong khi đó, Nguyễn Tất Minh thi khối A và cũng đạt điểm số rất cao với các môn Toán 9,6 điểm; Lý 9,25 điểm; Hóa 9,25 điểm.
Và khi niềm vui chưa thực sự trọn vẹn
Đến ngày công bố điểm chuẩn các ngành đã đăng ký tại những ngôi trường mơ ước, vui buồn chia nửa đối với đôi bạn 4.000 cõng nhau đến trường. Trong khi Minh đỗ vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ thông tin như đúng nguyện vọng thì Hiếu trượt ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm.
Tuy không thể đậu vào ĐH Y Hà Nội nhưng cậu bạn vẫn đủ điểm trúng tuyển vào ĐH Y Thái Bình với điểm chuẩn 27,15 điểm cho ngành Y đa khoa.
Hiếu kể, em buồn không phải vì không trúng tuyển Trường Đại học Y Hà Nội, mà buồn vì phải xa Minh.
"Minh là một người bạn, người anh em không phải là 10 năm mà từ khi hai đứa còn rất nhỏ. Bây giờ, em không được ở gần để lo cho bạn nữa, liệu bạn thế nào, chỉ nghĩ đến thế thôi là em lại chảy nước mắt. Xa nhau, em mong rằng ở ngoài kia, sẽ có nhiều bạn tốt giúp đỡ Minh trong học hành và cuộc sống, mong Minh tự lập để cố gắng theo đuổi được ước mơ của mình" - Hiếu tâm sự.
Đôi bạn tạm chia xa sau khi đố đại học khi Minh học ở Hà Nội còn Hiếu học tại Thái Bình.
Rất nhiều ý kiến khác nhau được bày tỏ, chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người mong muốn Đại học Y Hà Nội nên đặc cách cho trường hợp của Hiếu, nhiều người khác cho rằng như vậy là không công bằng trong kỳ cuộc thi.
"Em rất xúc động và cảm ơn tất cả mọi người. Đặc biệt là cám ơn các thầy cô giáo đã âm thầm lo lắng cho em và có ý định gọi ra trường ĐH Y Hà Nội để xem có cách nào giúp em. Quả thực những ý tốt của thầy cô, em không được biết. Nhưng dù trường ĐH Y Hà Nội có đặc cách, em cũng xin từ chối", Hiếu chia sẻ.
Theo Hiếu, mình thiếu 0,25 điểm, nhưng có nhiều bạn lại chỉ thiếu 0,05 điểm, nếu ai cũng đưa những lý do như mình để xem xét thì sẽ trở thành một câu chuyện xin - cho và sẽ làm mất đi sự công bằng của cuộc thi.
Đến cái kết có hậu cho đôi bạn đầy nghị lực
Tuy nhiên, với kết quả thi 28,15 điểm, Hiếu đã đủ điểm đỗ vào Đại học Y Dược Thái Bình. Hiếu khẳng định em đã đỗ vào Y đa khoa của trường ĐH Y Dược Thái Bình bằng năng lực nên em quyết định sẽ theo học ở đây bằng đam mê.
Đáng nói, trước câu chuyện cảm động của cậu trò cõng bạn 10 năm trên lưng đến trường, trường Đại học Y Dược Thái Bình sẵn sàng miễn học phí trong suốt thời gian Hiếu theo học tại trường và sẽ tạo điều kiện học tập tốt cho Hiếu để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai. Sau này, Hiếu có thể học tiếp sau đại học tại trường Đại học Y Dược Thái Bình hoặc Đại học Y Hà Nội và trở thành một bác sĩ giỏi như mơ ước của em.
Trao đổi với PV vào sáng 6/10, GS. TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, ông đã nắm được thông tin báo chí phản ánh về trường hợp nam sinh Ngô Minh Hiếu (Thanh Hóa) thiếu 0,25 điểm vào ngành Y đa khoa của trường. Ông cảm động và trân trọng hành động của Hiếu tuy nhiên quy chế đã quy định rõ nên không thể có trường hợp đặc cách.
"Minh Hiếu hoàn toàn có thể thi để học bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội. Tương lai tươi đẹp đang chờ đợi ở phía trước và rất không nên cố gắng để tìm sự ưu tiên cho một cá nhân nhất là với tuổi trẻ, mới bước vào đời", GS Văn chia sẻ.
Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, sau này, nếu Minh Hiếu thực sự giỏi, có chí vẫn có thể trở thành một thầy thuốc có tâm, giỏi, cống hiến cho xã hội.
Và dù không thể vào được ngôi trường mơ ước nhưng Hiếu cũng vẫn có thể theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ tại trường ĐH Y Dược Thái Bình.
Ngưỡng mộ tình bạn Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh và cái kết có hậu cho cả hai. Ảnh: Dân trí
"Em giúp Minh xuất phát từ tình cảm chân thành. Giờ đây cả hai bọn em đều đậu đại học, đó là động lực vô cùng to lớn để chúng em vượt qua những khó khăn. Suốt 10 năm trời gắn bó bên nhau giờ mỗi đứa một nơi em cũng rất buồn. Nhưng cuộc sống mà, rồi ai cũng phải lớn, trưởng thành để tìm sự nghiệp riêng cho mình. Em tin ở môi trường mới, Minh cũng sẽ có nhiều bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ bạn ấy", Hiếu cho biết thêm.
Để động viên hai bạn có thể tiếp tục học tập tốt trên giảng đường Đại học, với trường hợp Nguyễn Tất Minh đã đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã sẵn sàng thăm khám và hỗ trợ điều trị sức khỏe cho Minh và hỗ trợ Minh về y tế trong thời gian Minh học đại học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!