Là một thành viên thuộc Khối Giáo dục và Nghiên cứu của Tập đoàn Công nghệ CMC, Trường Đại học CMC được định hướng phát triển thành trường đại học số hàng đầu Châu Á trong giai đoạn 2022 – 2032, sẽ là một đại học nghiên cứu sau năm 2032, và trở thành một đại học đẳng cấp thế giới (World class university) vào năm 2043.
Mục tiêu hàng đầu của Nhà trường là trở thành một Đại học công nghệ với các lĩnh vực đào tạo thế mạnh là Khoa học máy tính, hệ thống thông tin, điện tử – viễn thông và các lĩnh vực khác gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số của cả nước, với quy mô cỡ trung từ 20.000 đến 30.000 sinh viên vào năm 2039.
Với khoản đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng của giai đoạn 1, Trường Đại học CMC ưu tiên nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, mở các ngành đào tạo mới, xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ cao và hỗ trợ sinh viên giỏi. Trường Đại học CMC là một môi trường học thuật tiên tiến, lấy người học làm trung tâm, gắn học với hành, giúp sinh viên trưởng thành nhanh qua thực tiễn, trở thành con người hành động và chủ thể của sáng tạo.
Sinh viên của Trường có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu ở trong nước, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Việc học tập tại Trường cũng mở ra cơ hội việc làm tại Tập đoàn Công nghệ CMC, tại các đối tác công nghệ toàn cầu của CMC hay tại bất cứ nơi đâu.
“Chúng ta đang sống trong “Thời đại thông tin” với những tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật. Thế giới đang chuyển mình trong “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với nền sản xuất thông minh gắn với “Nền kinh tế tri thức”. Nhật Bản đang ở thời kỳ đầu của “Xã hội 5.0” – “Xã hội siêu thông minh” mà nhiều nước đang dõi theo… Dù ở thời đại hay xã hội nào, thì yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố quyết định của các hoạt động.
Trường Đại học CMC với truyền thống từ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu, đã vươn mình thành trường đại học đa ngành đa lĩnh vực. Trường Đại học CMC đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ra những công dân toàn cầu, những công dân số có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước và quốc tế.
Với môi trường đào tạo và nghiên cứu tiên tiến hướng theo các chuẩn mực quốc tế, Trường Đại học CMC là trường đại học tin cậy, có các nhà giáo tâm huyết, các nhà nghiên cứu xuất sắc trong nước và quốc tế hội tụ về. Trường sẽ đào tạo các sinh viên phát triển tốt cả về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống, thực hiện tốt những mục tiêu của Nhà trường đã đề ra và cam kết, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực bậc cao trong thời đại mới”.
Hơn 40 năm công tác tại nhiều cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước, TS Nguyễn Ngọc Bình đã kinh qua nhiều vị trí từ giảng dạy đến quản lý trước khi quyết định đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường Đại học CMC thuộc Tập đoàn CMC. Trước đó, TS Nguyễn Ngọc Bình là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và được biết tới là người Việt đầu tiên làm trong công tác quản lý tại Nhật Bản với cương vị Phó hiệu trưởng Trường sau đại học - Học viện máy tính Kyoto.
TS Nguyễn Ngọc Bình cũng từng làm Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ và có nhiều năm công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với vị trí Trưởng Bộ môn Công nghệ Phần mềm rồi Giám đốc Thư viện và Mạng Thông tin.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong công tác quản lý, mặc dù có rất nhiều lời mời “rẽ hướng” để làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhưng TS Nguyễn Ngọc Bình khẳng khái: “Hãy để tôi ở ngành Giáo dục, tôi sẽ cống hiến được nhiều hơn!”.
Mặc dù đang nghỉ chế độ hưu trí nhưng cơ duyên đã “níu” người Thầy lại với sinh viên. Hơn 40 năm qua, Thầy Nguyễn Ngọc Bình luôn đau đáu với nền giáo dục Việt Nam, với một tâm niệm xuyên suốt là làm sao truyền đạt kiến thức cho sinh viên, cho thế hệ mai sau.
“Một trong những lý do tôi nhận lời mời của CMC là muốn sử dụng những kinh nghiệm, kiến thức đã thu được ở Nhật Bản áp dụng vào nền giáo dục Việt Nam. Tôi luôn trăn trở: Tại sao các nước làm được mà mình chưa làm tốt? Khi hoà mình vào môi trường CMC, điều đầu tiên tôi muốn triển khai là đưa ra một cách quản lý giáo dục hiệu quả mà tôi đã tích lũy được trong nhiều năm”, TS Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.
Suốt quá trình công tác ở cương vị Giáo sư, Phó Hiệu trưởng Trường Sau Đại học - Học viện Máy tính Kyoto (Nhật Bản), ông đã có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng các dự án hợp tác ở mảng công nghệ thông tin giữa Việt Nam và Nhật Bản, trực tiếp tham gia nhiều hoạt động trao đổi học thuật và thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu giữa hai nước. Dấu ấn trong công tác quản lý đào tạo và giảng dạy ở Nhật Bản đã giúp người Thầy tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong quản lý giáo dục.
“Người Nhật khi họp rất tập trung, trước khi đưa ra vấn đề cần bàn bạc thì mọi người đều được gửi tài liệu trước, và khi đến họp chỉ nêu ý kiến. Tôi đã học được ở người Nhật cách giải quyết vấn đề rất căn bản.
Cùng với đó, bên cạnh hội đồng quản trị, ban giám hiệu nhà trường, tại các trường đại học của Nhật Bản còn thành lập một hội đồng giáo sư để xem xét quyết định các vấn đề thuộc nhà trường. Đó là cách quản lý rất hiệu quả, dân chủ, đánh trúng vấn đề, luôn tôn trọng giảng viên, sinh viên”, Thầy Bình nói.
Lấy dẫn chứng về xã hội 5.0 - xã hội siêu thông minh của Nhật Bản đang hướng tới, lấy con người làm trung tâm, lấy sự hài lòng, nhu cầu của xã hội và chính con người, cá nhân để đáp ứng, ông Bình cho rằng, Việt Nam nói chung và Đại học CMC nói riêng cần xây dựng một môi trường quản lý và môi trường đào tạo tiên tiến. Trong môi trường đó, người Thầy và sinh viên phải có một vị thế nhất định của mình và phải được tôn trọng đúng nghĩa.
“Người Thầy phải được tự do trong học thuật mới sáng tạo được. Sinh viên không thụ động mà phải tạo cho các em sự tự tin, thể hiện bản lĩnh ngay từ ban đầu. Cũng bởi học công nghệ mà không có bản lĩnh, không có ý tưởng đột phá sáng tạo thì rất khó trụ vững.
Và nhiệm vụ của người Thầy là dẫn dắt sinh viên, để làm sao cho các bạn chủ động, sáng tạo trong học tập, trong công việc thì cả hai mới đi đến thành công” - TS Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.
Trước những biến đổi rất nhanh của toàn cầu, công nghệ 4.0 chính là nền sản xuất thông minh, bao gồm rất nhiều yếu tố mục tiêu, cao nhất là đáp ứng nhu cầu của con người. Do vậy, nguồn nhân lực là điều quan trọng nhất và nhân sự chất lượng cao cần đáp ứng đủ, đúng yêu cầu của nền sản xuất. Khi đó, ngành công nghệ thông tin càng quan trọng.
Trong môi trường đào tạo đại học, Thầy Bình khẳng định, điều then chốt nhất là cần đào tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng, liên ngành. “Chúng ta học một ngành vẫn chưa đủ. Kiến thức, kỹ năng cần được mở rộng, thậm chí, đào sâu ở các ngành khác. Điều đó đề ra trách nhiệm rất lớn cho các trường đại học và trung tâm đào tạo. Như vậy, chúng ta cần đào tạo cải tiến, cập nhật nhưng phải có tính liên ngành để có nguồn nhân lực đạt chất lượng”, Thầy Bình quả quyết. Đóng vai trò kết nối, tăng cường hợp tác nguồn nhân lực và nghiên cứu, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục cùng nhà trường nỗ lực kết nối Trường Đại học CMC với các trường đại học của Nhật Bản trong đào tạo và trao đổi sinh viên. Nhà trường cũng không ngừng tìm kiếm, mở rộng, kết nối và ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, trường học tại Nhật Bản để mang lại cho sinh viên cơ hội bước ra thế giới rộng mở hơn.
“Tập đoàn CMC là doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, tôi tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của Tập đoàn CMC, Trường Đại học CMC sẽ đạt được mục tiêu trở thành trường đại học công nghệ tiên tiến và trường đại học số tiên phong tại Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số”, TS Nguyễn Ngọc Bình nhấn mạnh.
Khi bước vào trường đại học, đâu đó có một số sinh viên mang tư tưởng “nghỉ ngơi, xả láng”, Thầy Bình gửi gắm mỗi sinh viên phải biết tiết kiệm thời gian, tận dụng cơ hội và thời gian mình có để tìm ra giá trị của bản thân. Để giúp sinh viên làm được điều này, nhà trường phải tạo môi trường khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các bạn. Đó là sứ mệnh của người Thầy, đó là giá trị sinh viên được thụ hưởng khi vào trường.
“Tôi mong các bạn vào đây không chỉ học về kiến thức mà học cả vấn đề xã hội, đối nhân xử thế, nắm bắt các vấn đề thời đại thì bản thân mới không bị lạc hậu.
Các bạn cũng hãy tự thử mình? Tại sao lại không thử chứ? Không chỉ học sử dụng như thế nào, mà phải học chế tạo như thế nào? Chính những câu hỏi đó sẽ bật lên những ý tưởng sáng tạo lý thú cho các bạn trong cuộc sống”, TS Nguyễn Ngọc Bình nói.
Ngày 19/5/2022, Tập đoàn Công nghệ CMC công bố và trao quyết định bổ nhiệm TS Nguyễn Ngọc Bình đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học CMC thuộc Tập đoàn CMC.
Tân Hiệu trưởng Đại học CMC sinh năm 1959, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Kishinev năm 1981, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Toyohashi năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Osaka năm 1998, được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư năm 2003. Từ năm 2019, ông là Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Hosei và Giáo sư tại Viện IIST, Đại học Hosei (Tokyo).
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bình được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen năm 2009, được Bộ Ngoại giao Nhật Bản trao tặng Bằng khen năm 2014 vì những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam trong giáo dục đại học.