Trượt 10 là về không?

pv-Thứ tư, ngày 03/07/2024 08:00 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước là địa phương có kỳ thi vào 10 căng thẳng nhất cả nước. Hơn 105,000 học sinh cạnh tranh trong số 81,000 suất học trường công.

Trượt 10 là về không?  - Ảnh 1.

Cuộc chiến cam go và căng thẳng hơn khi tính theo “vùng chiến sự” như THPT Yên Hoà nơi 3,11 đứa trẻ lấy 1, THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông là 2,9 đứa trẻ lấy 1. Ngày hôm qua, Hà Nội đã chính thức công bố điểm chuẩn của các trường THPT công lập. Theo đó để chiếm một suất học trường công xịn, trung bình điểm mỗi môn của một đứa trẻ phải đạt 8 điểm. Như THPT Việt Đức, điểm trung bình môn năm 2021 là 8,04, năm 2022 là 8,35, năm 2023 là 8,6 và năm nay là 8,05. Mỗi năm điểm trung bình môn đều theo xu hướng cao hơn năm trước. Có những ngôi trường hot như THPT Chu Văn An thì phải đạt gần 9 điểm mỗi môn mới mong vào được trường. Tất nhiên, có những suất trường công chỉ cần đạt 3, thậm chí hơn 2 điểm là đỗ nhưng chúng ta đều biết những ngôi trường đó là ngoại thành và vốn chỉ là giấc mơ của cha mẹ nghèo, muốn con có cái chữ với chi phí bỏ ra thấp nhất.

Thi vào 10 luôn là cuộc chiến mà với nhiều gia đình: "Trượt 10 là về 0". Bởi tài chính của cha mẹ hạn hẹp, cho con theo học các trường tư thục mức học phí cao còn hạn chế. Nên có những đứa trẻ sức học rất khá nhưng vẫn về 0 chỉ vì lựa chọn nguyện vọng sai. Vốn là thế, cuộc chiến nào cũng có thắng bại. May mắn thì những đứa trẻ ngã ngựa đó sẽ tiếp tục con đường học vấn. Chỉ là những đứa trẻ đó, phần đông, đều tự biến mình thành "đồ bỏ".

Tôi đã từng đến trò chuyện với hơn 2,000 học sinh cấp 3 tại một trường giáo dục thường xuyên và cũng vài lần đến với các trường trung cấp đào tạo nghề nghiệp. Không phủ nhận rằng thầy cô, ban giám hiệu của những ngôi trường đó rất tâm huyết với học trò. Nhưng ở đó, nhiều bạn trẻ thực sự không còn nhiều thiết tha học tập nữa. Thứ nhất là vì định kiến học giáo dục thường xuyên, học đào tạo nghề nghiệp là kém sang. Thứ hai là vì cú sốc trượt vào 10 còn ám ảnh đến tận sau này. Thứ ba, đau lòng hơn, là từ chính cha mẹ, những người coi trọng sĩ diện bản thân cao hơn hạnh phúc của con. "Cha mẹ em muốn em học trường này để có bằng cấp 3 thôi". Một cậu bé lớp 11 nói với tôi như thế. Cậu dự định học xong lớp 12 sẽ đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Khi tôi hỏi sang đó học nghề gì thì cậu lắc đầu bảo: Em không biết, đi thôi, có gì học nấy.

"Con là đồ bỏ"- câu đáp đau lòng này tôi đã nghe không ít lần qua mỗi chuyến đi trò chuyện với học sinh của nhiều ngôi trường mà con học tập ở đó chỉ để lấy tấm bằng cấp 3, là để "giết thời gian" nhàn rỗi của con. Nói không ngoa, đến 80-90% những đứa trẻ tôi gặp ở Bắc Giang, ở Thái Nguyên, Hải Phòng, ở Nghệ An và cả Hà Nội đang học các trường này đều chỉ muốn đi làm, đi nghĩa vụ quân sự, đi xuất khẩu lao động hoặc vào các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tức là lấy bằng cấp 3 không phải để tiếp tục lên Đại Học mà là để không rảnh rỗi 3 năm trước khi 18 tuổi, tuổi được đi làm.

Tôi không chê trách chương trình học của những ngôi trường này. Thậm chí, bằng vai trò và đạo đức của một nhà báo tôi khẳng định hầu hết các thầy cô, ban giám hiệu những ngôi trường này đều tâm huyết trong việc đào tạo học sinh. Chỉ là những đứa trẻ không đón nhận điều đó. Thương tổn của việc trượt vào 10 khiến chúng thành những đứa trẻ buông xuôi. Thương tổn nặng hơn khi cha mẹ thở dài nói về "năng lực của con". Những đứa trẻ thấy mình trở thành nỗi thất vọng của cha mẹ sẽ đau đớn đến nhường nào.

Có bằng tốt nghiệp THPT có thực sự là điều mọi đứa trẻ từ 15 tuổi phải làm? Không, đó là cha mẹ muốn thế thôi. Tôi tin chẳng đứa trẻ nào nghĩ thế. Vì tôi thấy một làn sóng những đứa trẻ thừa năng lực đỗ lớp 10 trường công và thực tế cũng có những đứa trẻ đã theo học nhưng vì muốn học nhanh làm sớm, muốn được theo đuổi nghề nghiệp chúng yêu thích nên đã quyết định đưa ra một lựa chọn khác biệt. Như mới đây tôi có tham dự hội thảo của Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic, khi tôi nhìn thấy những gương mặt hạnh phúc của các sinh viên tại đây thì tôi biết đó là câu trả lời cho việc chọn được một môi trường học tập phù hợp. Thành thực mà nói, chẳng đứa trẻ nào quan tâm chuyện nó có tấm bằng cấp 3 nếu như đó không phải là ý muốn, yêu cầu và thậm chí là sự áp đặt của cha mẹ chúng. Đến cả những đứa trẻ đang học trường công cũng nghĩ vậy. Cái chúng cần là một môi trường học tập phù hợp và tốt cho sự phát triển của chúng chứ không phải đẹp cho mặt cha mẹ. Với 99,8% đều tốt nghiệp cấp 3 thì tấm bằng cấp 3 chưa bao giờ là thứ bọn trẻ cho vào mục tiêu học tập của chúng. Nhưng trượt vào 10 sẽ là về 0 vì đồng nghĩa với việc chúng sẽ bị đánh giá từ mọi phía.

"Trượt 10 không phải là về 0". Tôi thật lòng mong các cha mẹ hãy nhớ giùm tôi điều này. Trượt 10 càng không phải thất bại mà đứa trẻ 15 tuổi phải gánh như một tội lỗi đáng bị trừng phạt, một cái án "bỏ đi" với chúng. Con không đỗ vào 10 thì không còn là con yêu của bạn ư? Đứa trẻ chúng ta yêu thương mà không đỗ vào 10 thì ta bớt yêu thương chúng ư? Sao ta bắt chúng phải lấy được bằng cấp 3 như cách để chuộc tội vậy? Bắt chúng phải theo học những ngôi trường chúng không mong muốn trong khi chúng hoàn toàn có thể lựa chọn học những nghề chúng yêu thích? Sao ta cứ bắt một đứa trẻ thích nghề thiết kế lại phải học nghề kế toán chỉ vì trung cấp kia có trao bằng tốt nghiệp THPT cho con?

Lo lắng cho tương lai của con là điều đương nhiên của việc làm cha mẹ. Nhưng cha mẹ à, tương lai của con phải là con muốn, con thực sự xây dựng lộ trình, con trực tiếp bước đi chứ chẳng phải vì tấm bằng cấp 3. Đừng biến việc trượt vào 10 là về 0 nữa. Trượt vào 10 cũng chẳng sao, hãy cho con thấy giá trị của con không mất đi dù chỉ một chút. Là cùng con lên lộ trình khác, mới mẻ hơn. Thậm chí nếu con thấy học văn hoá để lấy bằng cấp 3 là con đường con không thích đi thì tại sao cha mẹ không cùng con đi trên một lộ trình khác? Học một nghề phù hợp với năng lực của con bất kể nó có mang đến bằng cấp 3 hay không, chỉ cần con có thể làm được nghề đó, yêu thích nghề đó, sẵn sàng với nghề đó và kiếm được ra tiền nuôi sống bản thân với nghề đó thì hãy ủng hộ con đi.

Chúng ta không cần 81,000 giáo sư, tiến sĩ, cử nhân. Thứ chúng ta cần là những đứa trẻ có thể đóng góp vào xã hội mai này, tự chủ về tài chính, nghề nghiệp và hơn cả thế: Được cha mẹ tin tưởng, yêu thương. Chứ không phải trở thành "đồ bỏ". Học nhanh làm sớm, kể cả chuyên viên chăm sóc khách hàng, nhân viên xuất nhập khẩu hay xịn sò hơn, trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa, chuyên viên công nghệ thông tin, chuyên viên phát triển phần mềm, nhân viên kinh doanh… miễn là nghề nghiệp chính đáng thay vì sinh viên Đại Học chạy xe công nghệ đến mức nợ môn bị đuổi khỏi trường. Là con có một nghề nghiệp được đào tạo quy củ chứ không phải sử dụng chiếc bằng lái xe máy để bán sức khoẻ, hít khói bụi ngoài đường và nghỉ hưu vì mất sức năm 36 tuổi.

Trượt vào 10 thì vẫn là đứa con có thể đạt 10 điểm trong lòng cha mẹ chừng nào cha mẹ đừng coi tấm bằng cấp 3 như thứ bắt buộc con mình phải lấy cho bằng được. Hãy cho con quyết định tương lai của mình như một đứa trẻ hữu dụng thay vì là một "đồ bỏ đi", chuộc tội trượt vào 10 bằng tấm bằng cấp 3 mọi giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

giáo dục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước