Ảnh minh họa.
UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho trẻ mầm non được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13/4. Với quyết định mở cửa trường mầm non nói trên, các trường tư thục trên địa bàn Thủ đô chỉ có vài ngày để chuẩn bị mọi mặt đón trẻ trở lại trường.
Tuy nhiên, kể từ đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5/2021, tức là sau gần 1 năm tạm dừng hoạt động, nhiều trường mầm non tư thục rơi vào cảnh không còn "giáo viên cơ hữu". Một số trường muốn giữ chân được giáo viên thì tìm cách lách luật khi kết nối với phụ huynh để triển khai các nhóm trông trẻ ở các khu dân cư. Dẫu vậy, khi Hà Nội có quyết định đón trẻ trở lại trường, việc tuyển giáo viên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thực tế, nếu giáo viên còn duy trì với nghề lại thấy hài lòng hơn khi ở các lớp, nhóm nhỏ tự phát trong mùa dịch. Nhiều giáo viên mầm non không thể bám trụ với nghề đã tìm công việc khác để đảm bảo thu nhập trong đợt dịch kéo dài vừa qua.
Nhiều hiệu trưởng cho rằng, câu chuyện nhân sự mầm non vẫn đang là vấn đề đau đầu. Mong dịch bệnh qua nhanh để các cô yên tâm với nghề, các chủ trường bớt phần nào gánh nặng chi phí...
Ảnh minh họa chụp trước năm 2020.
Bên cạnh giáo viên, trường mầm non cũng phải tìm người nấu ăn, phục vụ. Thậm chí, một hiệu trưởng cho biết, nếu không gọi được đầu bếp, trường phải huy động người trong gia đình để nấu ăn cho trẻ trong thời gian đầu khởi động lại trường.
Đau đầu về nhân sự, các trường còn phải đối mặt với việc kiện toàn cơ sở vật chất. Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường mầm non cần thời gian rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài ra, các nhà trường cũng lau dọn, vệ sinh khử khuẩn phòng học, bàn ghế, đồ dùng học tập, lên các phương án đón trẻ đảm bảo an toàn phòng chống dịch để dạy học trực tiếp bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!