Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tô Hiệu, huyện M’Đrắk được thành lập năm 2012. Trường có 14 lớp, gần 500 học sinh, trong đó học sinh bán trú chiếm gần 50%.
Với đặc thù 100% học sinh dân tộc thiểu số, sinh sống xa trường học nên tình trạng bỏ học trước đây diễn ra khá phổ biến. Từ khi chuyển sang mô hình trường bán trú, năm học 2012-2013 số học sinh bỏ học giảm hơn một nửa và đến năm vừa qua chỉ còn một vài em, riêng khối bán trú không có trường hợp bỏ học.
Thầy giáo Bùi Viết Luyện, Hiệu phó Trường PTDTNT Tô Hiệu, M’Đrắk, Đăk Lăk cho biết: “Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sự phát triển mô hình trường bán trú sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Đồng giúp các em có được thời gian, thời khóa biểu học tập hiệu quả”.
Do trường mới thành lập, nên cơ sở lưu trú dành cho học sinh hiện chỉ là những dãy nhà tạm do phụ huynh và nhà trường tự làm. Nhưng chừng ấy cũng đủ để thôi thúc các em học sinh dân tộc thiểu số đến trường, học chữ, nuôi ước mơ vươn xa trên con đường học vấn.
Mô hình trường học bán trú được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2010. Đến nay cả nước có hơn 700 trường với gần 130.000 học sinh theo học. Theo đánh giá, đây là loại hình trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà hệ thống trường dân tộc nội trú không đáp ứng đủ.
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Với mạng lưới trường PTDTNT đáp ứng cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng chăm sóc học sinh bán trú đã tác động tích cực đến chất lượng giáo dục vùng KTXH đặc biệt khó khăn”.
Qua thống kê, các trường bán trú trên cả nước chủ yếu được thành lập dựa trên hệ thống trường tiểu học hoặc phổ thông cơ sở. Những học sinh học bán trú, được Nhà nước hỗ trợ tiền, gạo ăn hàng tháng theo các Quyết định 36 và 85 của Chính phủ.
Với sự ra đời của Trường bán trú, đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như Tây Nguyên, Tây Bắc.