TP. Hồ Chí Minh là thành viên 'Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu'

PV - Ảnh: TTXVN-Thứ hai, ngày 01/04/2024 16:24 GMT+7

VTV.vn - Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức “Lễ vinh danh Thành phố Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”.

Việc TP Hồ Chí Minh trở thành thành viên chính thức Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là niềm vinh dự, là kết quả của quá trình tập trung xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân Thành phố; thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, góp phần nâng cao vị thế giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, đây là cơ hội cho tất cả người dân và chính quyền Thành phố tiếp tục đề ra các chương trình hành động phát triển để TP Hồ Chí Minh trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi; tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số.

TP. Hồ Chí Minh là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ mong rằng, với sự hợp tác và hỗ trợ từ UNESCO cùng với các thành viên khác trong mạng lưới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển và vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành một trung tâm giáo dục hàng đầu của khu vực và đạt được uy tín, thứ hạng cao trong đánh giá và nhìn nhận của thế giới.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, việc ghi danh này là một cột mốc đáng nhớ trong công cuộc phát triển giáo dục của TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Jonathan Wallace Baker, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế văn hóa sôi động của cả nước và trong khu vực; có nhiều tiềm lực về ý tưởng và sức sáng tạo trên mọi mặt trận, cả trong giáo dục. UNESCO rất quan tâm đến sáng kiến của thành phố về việc xây dựng và phê chuẩn bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc, dựa trên khung trường học hạnh phúc toàn cầu của UNESCO, cùng chủ trương áp dụng tại các trường học tiểu học và trung học cơ sở tại thành phố. Mô hình này sẽ là trọng tâm của công cuộc đổi mới giáo dục, đặt hạnh phúc là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng học tập.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết, danh hiệu "Thành phố học tập toàn cầu" được UNESCO công nhận không chỉ là mục tiêu đạt được mà là điểm khởi đầu cho những chương trình hành động tiếp theo. Học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.

TP. Hồ Chí Minh là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu - Ảnh 2.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân về những lợi ích thiết thực mà mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" có thể mang lại; từ đó tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, giữ vững danh hiệu và hoàn thiện tiêu chí của Thành phố học tập toàn cầu.

Dịp này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát động Chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030" trên địa bàn Thành phố./.

UBND TP.Hồ Chí Minh đề nghị thực hiện 5 nhiệm vụ sau khi gia nhập mạng lưới học tập toàn cầu

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

2. Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện các đề án học tập.

3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

4. Nội dung được xác định cụ thể thông qua việc xác định các chỉ tiêu thực hiện, phù hợp với từng cơ quan.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước