Ngày 14/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức trao giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 cho 196 nhà giáo tiêu biểu.
Giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo nhằm tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; đồng thời khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả và chuyển biến mới.
Thông qua giải thưởng, ngành giáo dục Hà Nội nói chung, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội nói riêng bày tỏ sự quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn nhưng có những sáng tạo độc đáo, tích cực tham gia tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng….
Năm 2024 là năm thứ VIII giải thưởng được triển khai đến toàn cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT và được các đơn vị tích cực hưởng ứng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại chương trình. Ảnh: GD&TĐ
Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, thị xã, đã có 196 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học được đề nghị xét duyệt và trao Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" cấp ngành. Hội đồng đã chấm, chọn và xét duyệt 70 nhà giáo tiêu biểu xuất sắc vào vòng chung khảo Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" cấp TP.
Biểu dương các nhà giáo đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ: để các sáng tạo của thầy, cô giáo được lan tỏa rộng khắp trong toàn ngành, các nhà trường, nhà giáo cần ghi nhớ rằng, sự thành công nhất là giải thưởng không phải đánh giá để kết thúc một quá trình sáng tạo, mà nhắc nhở các thầy, cô giáo luôn phát huy, sáng tạo.
Trong số các nhà giáo Thủ đô được tôn vinh, có thể kể đến cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Trường Mầm non Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) với sáng tạo trong xây dựng môi trường giáo dục, thiết kế các không gian sáng tạo cho trẻ hoạt động trong lớp học của mình, nghiên cứu đổi mới, tự sáng tạo ra những bộ khuôn in bằng xốp mềm về tranh dân gian Hàng Trống nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình này.
Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: GD&TĐ
Cô Lê Thị Thanh Huyền, Trường Tiểu học Châu Sơn (huyện Ba Vì) đã thành lập Câu lạc bộ giáo viên Tiếng Anh toàn quốc từ năm 2017, thu hút hơn 70.000 lượt giáo viên trên cộng đồng online và hơn 5.000 lượt giáo viên tham dự hội thảo chuyên môn trực tiếp, giúp đỡ hoạt động của các câu lạc bộ Tiếng Anh dành cho học sinh ở các trường miền núi, các vùng còn khó khăn về điều kiện, nhận thức và nguồn giáo viên Tiếng Anh.
Cô Hoàng Thị Vượng - giáo viên Trường THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai thực hiện giải pháp giúp học sinh học tốt môn Khoa học Tự nhiên trong chương trình GDPT 2018 với hình thức sáng tạo. Cô đã xây dựng hệ thống kiến thức ngắn gọn, móc nối logic xuyên suốt và phương pháp học "tư duy" để học sinh học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không áp lực.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất) đã có bài phát biểu cảm động, đồng thời mang đến chương trình tiết mục biểu diễn sáo trúc độc đáo với tác phẩm Người thầy khiến nhiều người xúc động. Thầy Lý cũng là một nhà giáo tiêu biểu nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm nay.
Tôn vinh 196 nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo 2024. Ảnh: KTĐT
Tại chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã tặng giấy khen, trao giải thưởng cho 196 "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" cấp Thành phố, trong đó có 70 nhà giáo xuất sắc báo cáo ở vòng chung khảo.
Dịp này, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành trao giải Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" năm 2024. Giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm "Sắc tỏa yêu thương" của nhóm học sinh Lê Hiền Mai, Vũ Anh Minh, Nguyễn Khánh Băng, học sinh lớp 8A0, Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!