Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Hỗ trợ tối đa cho thí sinh

Theo Báo ĐT Chính phủ-Thứ bảy, ngày 23/05/2015 06:57 GMT+7

VTV.vn - Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và đại diện 8 cụm thi tại Thành phố về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Quyết định kéo dài thời hạn cho phép các thí sinh thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi tại TPHCM, ngày 22/5, thể hiện tinh thần tháo gỡ, hỗ trợ hết mức cho thí sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương tiếp tục, chủ động giải đáp ngay mọi khúc mắc, tiếp thu ý kiến của người dân, các em học sinh về kỳ thi THPT quốc gia.

Chủ trì buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác chuẩn bị, phối hợp giữa các trường đại học chủ trì cụm thi với chính quyền TPHCM và các địa phương khác.

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD&ĐT giao cho TPHCM tổ chức 8 cụm thi do các trường ĐH đảm nhận, được rải đều ở 24 quận huyện, tạo thuận lợi sắp xếp được cho các thí sinh theo từng địa bàn quận, huyện dự thi. Các cụm thi này dành cho thí sinh của TPHCM và 7 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh và Long An.

Tính đến ngày 15/5, số thí sinh dự thi tại TPHCM là 157.600 thí sinh (TP là 68.294 và các tỉnh: 89.306). Do số thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp của TPHCM chỉ chiếm trên 5%, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT được dự thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nên TP không tổ chức cụm thi tại địa phương.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức thi thử vào các ngày 11, 12, 13 và 14/5 với 8 môn thi. Đã có 45.502 học sinh đăng ký dự thi, trong đó có 38.542 học sinh trung học phổ thông, 1.960 học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết kỳ thi thử đã đạt được mục đích, yêu cầu, các cơ sở giáo dục, học sinh tham gia thi thử đã có những điều chỉnh thích hợp về tổ chức thi, kế hoạch ôn tập, phương pháp làm bài… để có chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chính thức. Kỳ thi được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá tốt.

“Những năm trước khi tổ chức tách riêng thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ thì các em thi nhiều lần hơn còn các trường ĐH phải tự tìm, thuê điểm thi, đội ngũ trông thi, chấm thi nhưng năm nay các trường THPT, các cơ sở giáo dục đủ điều kiện tổ chức thi đều có trách nhiệm tham gia hỗ trợ các trường đại học. Lãnh đạo Sở và các trường ĐH đã đến từng điểm thi để khảo sát. Việc huy động đội ngũ trông thi, chấm thi cũng có nhiều thuận lợi”, ông Sơn cho biết.

Các trường ĐH cho biết đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ chính quyền TPHCM trong việc tổ chức cụm thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Phó Thủ tướng đề nghị đại diện các trường ĐH chủ trì cụm thi thông tin cụ thể về công tác chuẩn bị. “Các trường còn thiếu gì, cần Bộ, cần TP hỗ trợ gì cứ thẳng thắn kiến nghị”.

Một trong những điểm đáng chú ý là hầu hết các trường ĐH chủ trì cụm thi tại TPHCM đều tiếp đón số lượng thí sinh ít hơn so với kỳ thi ĐH, CĐ các năm trước. Điển hình như ĐH Tôn Đức Thắng có trên 18.100 thí sinh (năm trước là 34.000 em); ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 16.500 thí sinh (các năm trước là 20.000-30.000 em); ĐH Công nghiệp TPHCM khoảng 19.000 thí sinh (năm trước là gần 35.000 em); ĐH Y dược TPHCM có trên 18.400 thí sinh (trong khi những năm trước là 23.000-24.000 em)…

Việc tiếp nhận số lượng thí sinh ít hơn giúp công tác tổ chức hết sức thuận lợi với sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện của các sở ngành, quận huyện ở TPHCM và các tỉnh. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM… đã chuẩn bị đầy đủ về chỗ trọ cho thí sinh tỉnh xa, chọn lựa điểm thi đảm bảo các điều kiện, giao thông thuận tiện…

Bên cạnh đó, quyết định tổ chức kỳ thi vào đầu tháng 7 của Bộ GD&ĐT giúp các trường tập trung được toàn bộ đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng như sinh viên tham gia phục vụ tại các điểm thi.

Đại diện các trường ĐH kiến nghị Bộ GD&ĐT nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn chế độ tài chính, định mức chi cho cán bộ trông thi, chấm thi, chi phí hỗ trợ địa điểm thi… Đồng thời cần khẩn trương hoàn thiện, bảo đảm vận hành thông suốt các phần mềm dữ liệu phục vụ kỳ thi; kéo dài thời hạn tiếp nhận yêu cầu thí sinh muốn thay đổi môn thi tự chọn, bổ sung các điều kiện đối tượng ưu tiên…

Từ phản ánh của các trường ĐH, Phó Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giải đáp rõ ràng, cặn kẽ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ sẽ ban hành ngay thông tư hướng dẫn về chế độ tài chính áp dụng cho kỳ thi và khẳng định Bộ sẽ hỗ trợ tài chính cho các trường tổ chức thi. Liên quan đến một số trường hợp thí sinh muốn chỉnh sửa, thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký dự thi, kể cả thay đổi môn thi, Bộ GD&ĐT đồng ý cho phép thí sinh có thể thay đổi thông tin tại nơi nộp hồ sơ dự thi hoặc liên hệ cụm thi trong thời gian từ nay đến 27/5. Và đến thời điểm làm thủ tục thi và sau khi thi xong thí sinh vẫn có thể tiếp tục bổ sung các ưu tiên để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Giải đáp về các vấn đề liên quan đến phần mềm xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT)  Mai Văn Trinh cho biết phần mềm được xây dựng song hành với quá trình xây dựng và hoàn thiện quy chế kỳ thi, và được triển khai theo đúng kế hoạch. Những tình huống trục trặc cụ thể sẽ tiếp tục được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Dự kiến modul xét tốt nghiệp và xét tuyển sẽ được thử nghiệm và tập huấn trong 2 tuần đầu tháng 6/2015.

Ông Trinh cam kết: Với quy trình xét tuyển vào ĐH, CĐ theo mức điểm từ trên xuống cho đến sát mức điểm sàn nên chắc chắn không có tình trạng thí sinh thi đạt 20 điểm mà sau mấy đợt xét tuyển lại không đỗ ĐH, CĐ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải tổ chức một kỳ thi trung thực, khách quan để đánh giá đúng năng lực học sinh.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mùa thi nào cũng có những vấn đề phải lo nhưng khác với những năm trước trường ĐH phải tự lo mọi thứ (từ thuê điểm thi, giám thị, người chấm thi) thì năm nay cả hệ thống cùng chung sức nên sẽ khắc phục tốt hơn, vừa tiết kiệm chi phí mà các trường cũng tập trung vào công tác chuyên môn. Do vậy các đơn vị, nhất là Bộ GD&ĐT, cần phối hợp tốt để giải thích rõ những điểm mới, thuận lợi của kỳ thi năm nay để giải tỏa lo lắng cho người dân, phụ huynh, thí sinh.

Cụ thể, từ việc xét tốt nghiệp tính đến cả quá trình học tập, không xếp loại bằng tốt nghiệp đến thiết kế đề thi phần để tốt nghiệp rất căn bản giúp học sinh chỉ thi tốt nghiệp, thì dù trước đây thi ở trường, nay phải thi ở huyện vẫn cảm thấy rất nhẹ nhàng, không có áp lực. Bên cạnh đó, quy định học sinh thi xong mới xét tuyển ĐH, CĐ là đổi mới rất lớn, mang tính nhân văn rất cao, giúp tất cả thí sinh có thêm cơ hội được học tập ở bậc cao hơn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý không chỉ giảm bớt nhiêu khê, tiết kiệm cho xã hội, thuận tiện cho thí sinh, kỳ thi THPT quốc gia năm nay phải làm sao hết sức trung thực, khách quan.

“Xã hội vẫn còn nghi ngại giữa cụm thi địa phương với nhau và với cụm thi do trường ĐH chủ trì có như nhau không. Cho nên yêu cầu tổ chức kỳ thi từ trông thi, chấm thi, giám sát phải hết sức khách quan, trung thực trên phạm vi toàn quốc. Trông thi nghiêm, chấm thi nghiêm, đề thi, barem rõ ràng, chi tiết để đánh giá đúng năng lực học sinh. Và phải đúng pháp luật để nâng cao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cụm thi cần phải bảo đảm giao thông đến các điểm thi an toàn thuận tiện, có đủ chỗ lưu trú cho thí sinh, đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Từ khóa:

kỳ thi THPT

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước