Lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị sáng 14/12/2023.
Điểm nhấn lớn trong việc triển khai nghị quyết là đã hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đánh giá, việc quản lý giáo dục, quản trị nhà trường có những thay đổi theo hướng phân cấp quản lý, giao tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
Ban hành và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đồng thời, triển khai một chương trình với nhiều sách giáo khoa. Lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn, phát hành theo hướng xã hội hóa.
Bộ GD&ĐT đã đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng viên có những chuyển biến rõ rệt hơn.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc triển khai Nghị quyết còn một số tồn tại, hạn chế về thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu".
Hiện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện 63 tỉnh, thành còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.
Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Đặc biệt, lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu trong Nghị quyết 29 đề ra.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Chính trị sớm ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu đã nêu trong nghị quyết.
Đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo triển khai Nghị quyết 29
Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có vai trò và vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến đưa ra tại hội nghị về những kết quả đạt được cũng như các bấp cập, khó khăn còn tồn tại.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhận thấy, dù khó khăn thế nào thì đầu tư cho giáo dục vẫn phải ưu tiên, đi trước trong đầu tư phát triển. Song song với đầu tư trong Nhà nước thì cần phải thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho lĩnh vực này. Ông Vinh cho rằng, cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những giải pháp tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục; Giáo dục toàn diện cũng cần phải quan tâm hơn về ứng xử học đường. Trong đó, giá trị văn hóa học đường cần được đặc biệt chú trọng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Dương Anh Đức cho biết, từ khi triển khai Nghị quyết, thành phố thường xuyên dành kinh phí hơn 2 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các hoạt động phát triển giáo dục. Tính tổng chi cho các hoạt động giáo dục chiếm 28% chi thường xuyên; chiếm 20% chi xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đi đầu trong đổi mới dạy học từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá phẩm chất, năng lực, ứng dụng vào thực tiễn; đưa kỹ năng ngoại ngữ, tin học vào trường phổ thông sớm; đại học cao đẳng tăng cường để đáp ứng đổi mới, hội nhập quốc tế. Vì vậy, thời gian tới, thành phố nỗ lực để trở thành trung tâm đào tạo tiên tiến thế giới vào năm 2045; quy hoạch mạng lưới trường lớp phấn đấu 300 phòng học/vạn dân độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội đã đưa vào đầu tư trung hạn số vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng để đầu tư mới, cải tạo trường học; triển khai các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đội ngũ nhà giáo học tập nâng cao trình độ… Trên cơ sở các kết quả đạt được, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị cần thực hiện được chính sách tiền lương cho nhà giáo theo như Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra; có cơ chế cụ thể ưu tiên dành quỹ đất di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan ở nội đô cho xây dựng trường học. Đáng chú ý, với thực trạng Hà Nội thiếu hơn10 nghìn giáo viên, Bộ Nội vụ cần bổ sung biên chế về quy định vị trí việc làm; không áp dụng máy móc giảm 10% biên chế đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong 10 năm qua, đối với giáo dục Đại học, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương cho biết, nhận thức của người học, người dạy có những thay đổi tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận đặc biệt là thực hiện tự chủ đại học, đem lại sức sống mới, động lực phát triển cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện tự chủ còn gặp những bất cập như nhận thức và kỳ vọng của các bên liên quan có sự khác nhau, một số cơ sở giáo dục đại học đồng nhất tự chủ đại học là tự chủ tài chính, thiếu sự quan tâm đến tự chủ học thuật, cơ chế, chính sách về tự chủ chưa thật sự rõ ràng.
Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ GD&ĐT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!