Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành quyết định phê duyệt đề án Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, sau 1 tháng ban hành, đề án này đã bị chính Bộ GD&ĐT thu hồi.
Về nội dung này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Theo đó từ năm 2015, tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Kỳ thi THPT quốc gia đã được sự đồng thuận cao của xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, được tổ chức thành công, đạt được những mục tiêu cơ bản về đổi mới thi và tuyển sinh: nghiêm túc, khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Để đảm bảo sự ổn định và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ năm 2021 trở đi phù hợp với chương trình SGK mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020".
Sau khi có thông tin từ các báo đăng tải bài viết về vấn đề này trong các ngày 21 và 22/5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo kiểm tra lại nội dung Đề án, xét thấy: nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi Đề án để tiếp tục hoàn thiện.
Về nội dung tài chính được các báo đề cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, con số hơn 749 tỷ đồng là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020; Bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Ví dụ: kinh phí từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Dự án Hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP).
Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM Tô Thị Bích Châu chia sẻ bên hành lang Quốc hội.
"Cách khái toán này đã dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu, cần phải nghiên cứu điều chỉnh cả nội dung và vấn đề tài chính khi soạn thảo Đề án. Bộ trưởng đã chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Nói về vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hồi Đề án chỉ 1 tháng sau khi ban hành, ngày 22/5, Đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho hay: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rút lại Đề án này cũng là việc bình thường. Có lẽ, Bộ trưởng đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía và thấy rằng điều kiện để tổ chức thực hiện chưa đủ chin muồi chứ không phải 749 tỷ đồng mà rút lại. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án đổi mới như vậy phải tốt hơn cái cũ, khoa học hơn, tiến bộ hơn".
"Với một Đề án đưa ra, ngoài vấn đề kinh phí thì còn phải bao gồm chất lượng khoa học trong đó và phải đổi mới thực sự để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Theo tôi, Bộ trưởng nói riêng và Bộ GD&ĐT nói chung đã biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến để chỉnh sửa", ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu ý kiến bên hành lang Quốc hội.
ĐBQH Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: "Số tiền chỉ bị coi là lãng phí khi sử dụng không đúng mục đích hoặc chất lượng không hiệu quả".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!