Thiếu giáo viên vẫn khó tuyển dụng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/10/2022 20:56 GMT+7

VTV.vn - Lương thấp, công việc nhiều, trách nhiệm cao, áp lực lớn nên chẳng cứ vùng khó khăn mà ngay cả những vùng thuận lợi, việc tuyển giáo viên cũng không dễ dàng.

Khó tuyển dụng giáo viên

Toàn ngành giáo dục đang thiếu hơn 100.000 giáo viên. Điều này đang gây ra rất nhiều khó khăn khi mà cả 3 cấp học đều thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trước thực trạng này, Bộ Chính trị đã Quyết định giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho 4 năm tới.

Riêng năm học này tạm giao bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, lúc này, chưa địa phương nào có báo cáo về tiến độ tuyển dụng. Tại các nhà trường, nơi trực tiếp dạy và học, chẳng còn cách nào khác là phải xoay xở để khắc phục.

11h, hai cô giáo Nguyễn Thị Nhung và Hoàng Kim Hậu phải vội bắt chuyến đò duy nhất trong ngày đi từ Thị trấn Cát Bà ra xã đảo Việt Hải. Ngoài đảo chưa có giáo viên Tiếng Anh và Tin học lớp 3 mà theo yêu cầu của chương trình mới, nếu không được học, các em sẽ không được lên lớp. Thế nên năm học này, các cô phải một lúc dạy 2-3 trường.

Rất nhiều giải pháp đang được các địa phương triển khai như điều giáo viên từ cấp THCS xuống hỗ trợ cấp tiểu học, biệt phái giáo viên đến các vùng khó khăn, cử giáo viên đi bồi dưỡng cấp tốc... Tại TP Hồ Chí Minh, một giải pháp đưa ra là hợp đồng với các giáo viên về hưu.

Thiếu giáo viên vẫn khó tuyển dụng  - Ảnh 1.

Giải pháp mấu chốt vẫn phải là tuyển đủ giáo viên nhưng việc tuyển dụng không dễ. Cả tỉnh Yên Bái đã 2 lần tổ chức tuyển dụng nhưng vẫn không có đủ giáo viên.

Biết là thu hút giáo viên, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học lên vùng núi sẽ khó khăn nên huyện Mèo Vạc, Hà Giang đã đưa ra mức lương hợp đồng khá cao nhưng kết quả cũng vẫn chưa đạt.

Lương thấp, công việc nhiều, trách nhiệm cao, áp lực lớn nên chẳng cứ vùng khó khăn mà ngay cả những vùng thuận lợi, việc tuyển giáo viên cũng không dễ dàng.

Nghịch lý thiếu giáo viên nghiêm trọng vẫn phải... tinh giản

Biên chế của ngành giáo dục hiện nay do 3 cơ quan có thẩm quyền quản lý là Bộ Nội vụ giao và duyệt biên chế; UBND cấp tỉnh trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, không bổ nhiệm được hệ thống dọc và không điều động được.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết phải nhìn nhận "một cách sòng phẳng" về trách nhiệm.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương là đảm bảo các điều kiện để triển khai, từ trường lớp, giáo viên, trang thiết bị, dụng cụ dạy học. Nếu ngân sách địa phương không cân đối được thì phải đề nghị Trung ương hỗ trợ. Bộ Giáo dục - Đào tạo hiện không có quyền tuyển dụng giáo viên hay phân bổ tài chính.

Việc Bộ Chính trị quyết định giao bổ sung biên chế giáo viên là rất đúng đắn. Nhưng thực tế, việc tuyển dụng 28.000 giáo viên cho năm nay không dễ dàng. Một mâu thuẫn đang tồn tại với ngành giáo dục là dù đang thiếu giáo viên trầm trọng nhưng vẫn phải tinh giản biên chế theo quy định 10% mỗi năm.

Vấn đề thiếu giáo viên cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Còn trên thực tế, Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai với mục tiêu đến năm 2025, tất cả các lớp học sẽ hoàn thành việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Để thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng nhất chính là đội ngũ giáo viên, không chỉ đủ, mà trình độ phải tốt, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước