Thi trượt vào lớp 10 không phải là trượt cả cuộc đời

VTV Digital-Thứ tư, ngày 10/07/2024 14:12 GMT+7

VTV.vn - Sau kỳ thi lớp 10, bên cạnh niềm vui hân hoan của học sinh đỗ vào ngôi trường mình mong muốn, thì không ít học sinh lại buồn vì cánh cổng trường công lập đã khép lại.

Một trong những câu chuyện nóng nhất bây giờ, của mùa hè này là con em mình sẽ học lớp 10 ở đâu? Đến thời điểm này, các tỉnh, thành trên cả nước đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 hệ công lập năm học 2024 -2025. Bên cạnh niềm vui hân hoan của học sinh đỗ được vào ngôi trường mình mong muốn, thì không ít em lại đang buồn vì cánh cổng trường công lập đã khép lại. Có những cảm xúc nào sau kì thi vào 10?

Sau kỳ thi vào lớp 10: Những điều còn lại

Các bạn đỗ chia sẻ:

- "Kết quả khá là cao so với bản thân em mong đợi!"

- "Thực sự điểm của em là đủ đỗ nên chưa đúng kỳ vọng lắm, nhưng em rất là vui vì bố mẹ đã công nhận sự thành công của em."

- "Điểm của em vượt hơn mức em kỳ vọng. Em đỗ cả nguyện vọng chuyên và nguyện vọng 1. Rất vui và rất xứng đáng với những nỗ lực của em. Bố mẹ em cũng rất vui và tự hào vì kết quả của em như thế."

- "Em khá là hài lòng với công sức thời gian qua em bỏ ra tại vì em không phải là người giỏi nhưng em tự nhận thấy mình khá là chăm."

Các bạn trượt tâm sự:

- "Cả nguyện vọng 1 lẫn nguyện vọng 2 của em đều trượt hết và đáng lẽ em đi học nguyện vọng 3 nhưng mà trường xa nhà quá nên mẹ cho em học dân lập. Mẹ em cũng buồn, nhà chỉ có mỗi 2 chị em mà chị học giỏi bao nhiêu thì em lại học kém bấy nhiêu. Mẹ em suốt ngày mắng là chơi 9 năm đã sướng chưa, lên cấp 3 có định học không hay là lại chơi tiếp rồi trượt luôn đại học đi rồi đi làm xe ôm, đi làm thợ xây. Em khá là ghen tị với những bạn đỗ, cũng xấu hổ nữa. Nhìn các bạn đỗ và khoe kết quả thì cũng buồn. Bây giờ học dân lập, học phí đắt đỏ nữa nên em khá là buồn."

- "Điểm của em chấp chới không cao hẳn cũng không thấp hẳn nên em cũng hơi lo, đến lúc biết điểm thiếu 0,25 thì em tiếc vì nếu mà Tiếng Anh em làm đúng thêm 1 câu nữa là em đã đủ điểm rồi. Lúc đấy em nghĩ là trong năm nếu mình học mỗi ngày thêm khoảng 5-10 phút thì mình đã có khả năng đỗ vào trường mình yêu thích. Khu tập thể nhà em có 4 bạn thi thì 3 bạn còn lại đỗ những trường điểm khá cao nên nhiều lúc ra ngoài cũng bị áp lực, hàng xóm hỏi làm em cảm thấy khá là xấu hổ và tự ái".

Những cảm xúc ấy không chỉ trong tâm tư của mỗi em học sinh. Nó còn bộc phát thành hành động, khiến cho cuộc thi vào 10 - những tưởng chỉ dành cho các em học sinh hết lớp 9, mà bây giờ trở thành chuyện nóng trong suốt tuần qua của cả cộng đồng.

Ngoài tâm thư nhận được nhiều sự chia sẻ của một em học sinh trượt NV1 công lập, đầy bế tắc khi bố mẹ coi em là kẻ thất bại thì có những em học sinh đỗ, thậm chí đỗ với điểm số rất cao 44 điểm cũng phẫn nộ! Em phẫn nộ và xúc phạm người khác vì.. phải học với các bạn điểm thấp hơn mình.

Đáng nói, đã có những em học sinh chọn cách tiêu cực nhất đó là tự tử khi biết điểm thi của mình...

Những câu chuyện đau lòng không phải lần đầu bắt gặp sau mỗi kỳ thi, nhưng tần suất lại đang ngày càng dày thêm theo từng năm. Nguyên nhân của những trạng thái cảm xúc tiêu cực và hành động dại dột có thể đến từ 3 lý do.

Thi trượt vào lớp 10 không phải là trượt cả cuộc đời - Ảnh 3.

Sẽ có 40% tương đương với 54.000 học sinh không thể học lớp 10 công lập tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ.

Thứ nhất là vì sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 công lập. Trong khi trường đại học có nhiều "cửa" để lựa chọn thì việc dành một suất vào lớp 10 trường công lại chỉ trông chờ vào một kỳ thi. Việc thiếu chỗ học trường công dẫn đến TP Hồ Chí Minh có khoảng 78% số học sinh có suất học. Nhưng ở Hà Nội, tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 60%. Tức là sẽ có 40% tương đương với 54.000 học sinh không thể học lớp 10 công lập. Trong khi, mô hình trường tư thục hay dân lập với học phí đắt đỏ không phải gia đình nào cũng có điều kiện để theo.

Thứ hai là sự kỳ vọng và ứng xử của cha mẹ vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp gây sức ép khiến cho những đứa trẻ rơi vào sự căng thẳng.

Áp lực đồng trang lứa và sự ảnh hưởng lớn của MXH khiến cho đứa trẻ ở độ tuổi 15-16 mới lớn dễ bị kích động nhưng cũng rất yếu đuối.

Một khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi trung ương về sức khỏe tâm thần, được thực hiện ở Hà Nội cho thấy tỷ lệ sàng lọc trầm cảm ở tuổi vị thành niên là 26%, stress/căng thẳng là 33% và có rối loạn lo âu là tới 38%. Mọi cảm xúc, mọi phản ứng đều cần được lắng nghe, thấu hiểu. Bởi không chỉ đơn giản là nỗi buồn, nó rất có thể sẽ là ám ảnh tâm lý nghiêm trọng nếu không được giúp đỡ kịp thời.

Nỗi buồn sau những kỳ thi

Mùa tuyển sinh của 5 năm trước, nhiều bạn không may mắn trượt lớp 10 công lập. Trượt tất cả những nguyện vọng mình đăng kí, cảm giác thất bại vẫn luôn là nỗi ám ảnh đeo đuổi các em tới tận bây giờ.

Thi trượt vào lớp 10 không phải là trượt cả cuộc đời - Ảnh 4.

Thí sinh dự thi vào lớp 10. Ảnh minh hoạ.

Những đứa trẻ thất bại vì người lớn ép phải thành công. Áp lực thi cử, học hành, áp lực từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô, cha mẹ… khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, mắc các chứng rối loạn lo âu. Bắt đầu từ tháng 4 cho đến hết tháng 7, lượng bệnh nhân là học sinh bị trầm cảm tăng đột biến ở nhiều bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện E cho hay: "Các bạn ý có những hành vi tự hại bản thân như lấy dao dọc giấy, hay những đồ sắt nhọn để tự đâm vào người, thậm chí còn những trường hợp nặng nề hơn như quyên sinh hay tự sát. Chủ yếu những trường hợp sau thi cử đa phần là các bạn tự tạo áp lực cho bản thân mình, mọi người không so sánh nhưng chính bản thân các bạn sẽ so sánh mình với những người khác và đặt cho mình giới hạn quá hoàn hảo. Từ đó, không thể vượt qua được những kết quả mà mình nhận được".

Lối rẽ từ những mô hình ngoài công lập

Thay vì thi vào lớp 10 công lập, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã chọn học chương trình 9+ tại các trường trung cấp, cao đẳng. Đây là mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa. Chương trình học văn hóa bao gồm ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, lịch sử. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề đào tạo phải học thêm ít nhất một môn lựa chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý.

Sau ba năm học, học sinh có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các học sinh ở các trường phổ thông công lập. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ được học nghề miễn học phí, theo quy định của Chính phủ. Một "lối rẽ" tiết kiệm chi phí, thời gian mà vẫn bảo đảm bằng cấp. Với nhiều lợi thế trên, những năm gần đây học sinh đăng ký học hệ này có xu hướng gia tăng và là bước đệm để hướng tới mục tiêu nghề nghiệp một cách nhanh chóng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước