Toàn cảnh buổi tọa đàm về đổi mới thi cử.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Hữu Độ cho hay, về phương thức tổ chức thi, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại năm nay.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thay mặt Bộ GD&ĐT cảm ơn ban chỉ đạo địa phương, cả hệ thống chính trị các địa phương đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trong nhiều năm nay.
Để khắc phục những tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ông Độ cho biết, Bộ GD&ĐT tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra. Hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về CNTT, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở để có kỳ thi chất lượng. Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi.
"Đặc biệt chấm thi cũng có sự điều chỉnh, làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. Trong công tác phối hợp với địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi", ông Độ nhấn mạnh.
Hiện nay, Luật Giáo dục sửa đổi đang được xem xét cho ý kiến trong kỳ họp QH tới. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, về Luật Giáo dục, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã cho phép Bộ GD&ĐT chuyển dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và sẽ sửa khá cơ bản, toàn diện.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, quan điểm sửa luật là nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng vào trong Luật, nhất là Nghị quyết 29 Trung ương Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Cụ thể hóa Hiến pháp 2013 liên quan tới phát triển giáo dục đào tạo, trong đó có những chủ trương lớn, đặc biệt là việc thực hiện giáo dục bắt buộc tiểu học hay Nghị quyết 29 TW hướng tới năm 2020 có thể thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với thực tiễn, khắc phục những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện luật; Đảm bảo tính kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật, coi Luật Giáo dục vừa là luật khung, vừa là nền tảng cho các luật chuyên ngành khác.
"Do việc sửa đổi khá toàn diện, nên tôi mong muốn cử tri cả nước và ĐBQH quan tâm đóng góp nhiều ý kiến. Bộ GD& ĐT cầu thị tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa Luật Giáo dục cho hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục", ông Độ chia sẻ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!