Thí sinh sẽ phải thi 5 môn trong kỳ tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2017?

Minh Đức-Thứ ba, ngày 06/09/2016 15:21 GMT+7

VTV.vn - Theo dự thảo kỳ thi tuyển sinh và xét tuyển ĐH - CĐ năm 2017, các thí sinh sẽ thực hiện 5 bài thi thay vì tổ chức thi theo từng môn.

Kỳ tuyển sinh Đại học - Cao đẳng 2016 đã sắp sửa kết thúc. Nhiều thí sinh đã trở thành tân sinh viên và hoàn tất việc nhập học tại các trường vào đầu tháng 9 vừa qua. Theo nhận định của các chuyên gia, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 thành công trên nhiều mặt, rút ngắn được thời gian thi, giảm chi phí cho xã hội, phân loại thí sinh tốt,... 

Tuy nhiên, kỳ thi vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục và thay đổi như công tác tổ chức thi vẫn còn nặng nề, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo quá cao, tổ chức chấm thi tại nhiều cụm khiến nhiều người băn khoăn về sự công bằng điểm số... Những nhược điểm này sẽ phải được khắc phục trong phương án thi năm 2017 tới.

Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết sẽ tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT, xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH - CĐ sao cho tối ưu nhất, hướng đến lợi ích của các thí sinh và nhà trường. Mục tiêu được đưa ra là tuân thủ Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học; tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đi liền với tăng cường chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, giảm áp lực thi cử, giảm chi phí xã hội; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và tuyển sinh; tiếp thu kinh nghiệm thế giới.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định việc đổi mới thi cử sẽ có lộ trình và bước đi thích hợp, không gây sốc cho thí sinh và xã hội, tiến tới phương án thi, tuyển sinh ổn định, bền vững, thực hiện lâu dài.

Hiện tại, Bộ GD - ĐT vẫn đang bàn thảo phương án thi và xét tuyển của năm 2017. Tuy nhiên, về cơ bản, vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả xét tuyển ĐH - CĐ nhưng có một số thay đổi.

Cụ thể Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, ngay sau khi kết thúc năm học, Bộ đã lấy ý kiến của các Sở để điều chỉnh bất cập của năm 2016, đưa ra giải pháp tốt hơn. Trước mong muốn của các Sở GD - ĐT là tự tổ chức kỳ thi, Bộ GD - ĐT dự kiến sẽ giao việc tổ chức thi cho các Sở. 

Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Theo dự thảo, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm thi cho tất cả các thí sinh tại địa phương do sở GD - ĐT chủ trì, các trường ĐH - CĐ chỉ thực hiện giám sát. Thời gian thi của các cụm sẽ diễn ra cùng lúc trên toàn quốc. Điều này sẽ giảm bớt được áp lực cho các trường ĐH chủ trì cụm thi khi phải cử một lượng lớn cán bộ, giảng viên về các tỉnh.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên điểm số của kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình kết quả học tập, rèn luyện của lớp 10, 11, 12 theo tỷ lệ 50/50. Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là một căn cứ để các trường ĐH - CĐ xét tuyển như năm 2016.

Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2017 có thể sẽ có nhiều đổi mới về nội dung thi. Rất có thể sẽ thay thế việc tổ chức thi theo từng môn như trước đây bằng 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang cân nhắc hai phương án: một là học sinh THPT phải thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hai là thí sinh chỉ thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Duy nhất bài thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Việc tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ được giao tự chủ thực sự cho các trường, không có sự tham gia sâu của Bộ GD-ĐT vào những công việc cụ thể như hiện hành. Cụ thể, việc tuyển sinh ĐH được phân rõ theo các hình thức: xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT; xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia.

Thí sinh dùng mã số thí sinh để đăng ký xét tuyển. Dựa vào dữ liệu chung, các trường có đủ dữ liệu để thực hiện xét tuyển; sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (các trường có thể tự tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt sau khi đã qua vòng sơ tuyển hoặc hình thành các nhóm trường để tổ chức thi đánh giá năng lực); xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của các trường hoặc nhóm trường khác; phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh…

Hiện Bộ GD - ĐT vẫn đang tiếp tục thảo luận để hoàn thiện phương án chính thức, dự kiến sẽ công bố trước ngày 10/9.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước