Thí sinh áp lực với 5 bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Minh Đức-Thứ sáu, ngày 09/09/2016 06:16 GMT+7

VTV.vn - Nhiều thí sinh cảm thấy băn khoăn khi được biết có thể sẽ phải làm bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, thậm chí còn cảm thấy áp lực với phương án thi mới

Sau khi kết thúc kỳ xét tuyển ĐH – CĐ 2016, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã bắt đầu tìm cách khắc phục những bất cập từ kỳ thi 2016 và hoàn thiện phương án thi THPT Quốc gia 2017. Theo bản dự thảo phương án thi năm 2017, các thí sinh sẽ không làm bài thi từng môn như trước đây mà sẽ làm bài thi 5 môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Ngoài ra, Bộ vẫn sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi quốc gia, sử dụng kết quả cho xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển ĐH – CĐ. Trước những điều được đưa ra trong dự thảo, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.

Chị Hoàng Cẩm Ly, phụ huynh một học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An chia sẻ quan điểm: "Mỗi năm Bộ đều thay đổi cách thức thi, mặc dù các em học sinh đều tỏ ra cố gắng thích nghi được khi cách thức thi thay đổi nhưng việc thay đổi theo từng năm như vậy sẽ rất khó khăn cho việc ôn tập và ổn định tâm lý của các cháu. Năm vừa rồi, những cháu thi tốt nghiệp phải thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn, năm nay, nếu theo dự thảo thì sẽ thêm bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên, vậy cách thức ôn tập có thay đổi hay không?"

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết phương án thi cử năm nay không phải phương án đổi mới mà chỉ tiếp tục hoàn thiện từ phương án năm 2016. Nếu phụ huynh và thí sinh nhìn nhận ở góc độ này sẽ không đặt quá nặng vấn đề về việc thay đổi bởi thực tế các thí sinh vẫn sẽ thi với lượng kiến thức như vậy.

Theo phương án dự thảo, Bộ Giáo dục – Đào tạo đang cân nhắc giữa hai phương án: yêu cầu học sinh THPT thi đủ 5 bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT, hoặc thí sinh chỉ thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn thêm 1 bài thi hoặc khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Nhiều người cho rằng nếu tổ chức thi 5 môn như vậy thực chất là khiến các thí sinh phải thi nhiều môn hơn.

Cô Nguyễn Việt Hà, giáo viên trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) chia sẻ: "Năm nay, nếu theo phương án Bộ đề ra áp dụng phương án làm 5 bài thi thì có thể các em học sinh vẫn bị áp lực học nhiều hơn. Bởi bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội thực chất là 6 môn học khác nhau, vậy nên dù các em thi bài thi nào thì cũng đang thi đủ 6 bài thi gồm 3 môn bắt buộc và 3 môn thuộc bài thi khoa học tự nhiên – khoa học xã hội". Bên cạnh đó nếu áp dụng phương án thí sinh chỉ thi bốn bài gồm ba bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) thì vẫn xảy ra hiện tượng học lệch.

Em Đỗ Thu Hoài – học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Em học rất tốt 3 môn Toán, Hóa học và Sinh học nhưng lại rất kém môn Vật Lý. Em dự định sẽ tập trung ôn tốt 3 môn thi bắt buộc và môn tự chọn để xét tuyển đại học. Nhưng khi biết tin có thể năm sau sẽ phải thi môn Khoa học tự nhiên gồm 3 môn Vật Lý, Hóa học, Sinh học em cảm thấy rất lo lắng vì việc học yếu môn Sinh có thể ảnh hưởng không nhỏ đến điểm số của em".

Ngoài ra, nhiều người nhận định chỉ nên xét tuyển tốt nghiệp chứ không nên thi, giảm bớt gánh nặng, áp lực cho những người không có ý định xét tuyển ĐH – CĐ. Riêng việc theo học 3 năm THPT đã có kỳ thi học kỳ, kiểm tra chất lượng học sinh trong mỗi năm học, nếu học sinh không làm được bài sẽ ở lại lớp.

Tuy nhiên, tất cả những phương án đưa ra hiện nay mới chỉ là dự thảo và mục đích là để hoàn thiện hơn nữa Kỳ thi THPT Quốc gia. Chắc chắn Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ cân nhắc kỹ càng và có phương án phù hợp, thỏa đáng nhất, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và nhà trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước