Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, những năm qua, phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005–2006, đã bộc lộ nhiều hạn chế. Theo đó, những hạn chế thấy rõ nhất là học sinh học lệch các môn, chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.
Ngoài ra, theo phương thức cũ, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên. Ngoài ra, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường cũng khác nhau.
Tại buổi thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020, ông Phạm Quốc Toản - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới "theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên".
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc thêm bài thi tổ hợp nhằm tránh học sinh THCS học lệch, học tủ.
Bên cạnh đó, bài thi tổ hợp chắc chắn sẽ có môn Ngoại ngữ, điều này nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Trước những những lo lắng của phụ huynh học sinh về việc phải cho con đi học thêm nhiều môn để đáp ứng kỳ thi vào lớp 10 theo phương án dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, áp lực dạy thêm, học thêm xuất phát từ áp lực thi và định dạng đề thi. Do đó, khi ra đề, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chú trọng tính chất khoa học bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, định dạng đề thi phù hợp, không đánh đố để học sinh chỉ cần học chuyên cần, chăm chỉ là có thể làm tốt bài thi, không cần phải học thêm.
Được biết, trước khi đưa ra phương án này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trưng cầu ý kiến của cha mẹ học sinh và nhận được gần 700 ý kiến từ nhiều năm qua. Đồng thời, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng dựa trên ý kiến đề xuất của hầu hết các Hiệu trưởng trường THPT, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, Hiệu trưởng trường THCS trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Dự kiến, học sinh thi lên lớp 10 sẽ phải làm 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán và Ngữ văn, 1 bài thi tổ hợp.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố phương án dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Theo phương án dự kiến được đưa ra, học sinh sẽ phải làm 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán và Ngữ văn, 1 bài thi tổ hợp (gồm 4 môn). Điểm mới này đã gây lo lắng, băn khoăn cho các bậc phụ huynh đang có con học lớp 8 năm học 2017 - 2018.
Cụ thể, theo phương án dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội, các bài thi Toán, Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, còn bài thi tổ hợp sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Sẽ có hai tổ hợp: Tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Theo đó, dự kiến vào tháng 9/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố đề thi minh họa vào lớp 10 của năm học 2019 - 2020 và có thể duy trì ở các năm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!