Thầy giáo 30 năm “không biết ngồi” truyền cảm hứng cho học sinh

Theo VOV-Thứ hai, ngày 19/03/2018 06:09 GMT+7

Thầy Dương Đình Nghiệp.

VTV.vn - Hơn 30 năm nay, thầy Nghiệp chỉ có duy nhất một tư thế là đứng giảng, khiến những người gặp thầy lần đầu không khỏi ngỡ ngàng.

Đường tới nhà thầy Dương Đình Nghiệp tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội nằm trong ngõ sâu, ngoằn nghèo, khó tìm, thế nhưng hàng năm có hàng trăm học sinh ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên đổ về nhà thầy Nghiệp để học Toán.

Buổi sáng đến nhà, thầy Nghiệp không dạy học, thầy đứng thổi sáo, viết thư pháp. Thầy chơi được 6 loại nhạc cụ bao gồm đàn ghi ta, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn nhị, sáo trúc. Người ta ngồi chơi thảnh thơi, thế nhưng thầy vẫn đứng. Như hiểu được băn khoăn của vị khách lần đầu đến nhà, thầy cười tươi: "30 năm nay, tôi vẫn đứng thế này cả ngày, chẳng bao giờ ngồi được".

Đôi chân run run, thầy nhích đi từng bước ngắn đi pha ấm trà nóng mời khách. Nhấp ngụm trà, thầy Nghiệp kể, bản thân bị mắc chứng cột sống dính khớp. Ngay từ thời nhỏ, đã thường xuyên bị đau chân, nhưng do gia đình nghèo, không có tiền chữa trị, nên đành phó mặc. Đến năm 28 tuổi, khi đang ở tuổi sung sức nhất của người đàn ông, thầy bị liệt hẳn sau một lần ngã nhẹ. "Ngày ấy, tôi bị quật hẳn, không thể ngồi dậy được, trong suốt 3 năm nằm trên giường, ăn đâu, sinh hoạt đấy. Mọi thứ đều rất đau đớn, vất vả. Nhiều người đến nhà chơi còn nói thẳng, người này chỉ chết chứ không thể sống được. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ rằng, mình nhất định phải sống, sống để làm một điều gì đó có ích".

Thế rồi, nghị lực sống và khát khao được sống của chàng trai đương độ hai mươi đã giúp thầy Nghiệp dần bình phục sau 3 năm. Từ sau ba năm ấy, lại là quãng thời gian không dễ dàng. Lần thứ 2 trong đời, thầy Nghiệp lại tập đi sau thủa 9 tháng lò dò biết đi. Nhưng lần này, phải mất đến gần 10 năm, thầy mới đi lại được như trước.

"Đến nay, thấy nó cũng khá ổn định. Khi trái nắng trở trời thì đau nhiều hơn, còn thường ngày thì vẫn bị đau, cứng từ đầu gối trở lên, còn từ đầu gối trở xuống thì vô tư. Nhưng đau mãi cũng thành quen. Tôi thấy bệnh tật cũng có cái hay. Nó làm ta biết trân quý mọi điều xung quanh hơn. Cái chân yếu, nhưng vẫn còn cái tay với cái đầu, nên tôi nghĩ, thế là tuyệt vời rồi", thầy cười như thể chẳng biết đau.

Kể về cơ duyên đến với nghề dạy học, người thầy hơn 30 năm chỉ một tư thế đứng thẳng bảo, ước mơ lớn nhất của ông là trở thành bác sỹ cứu người. Năm 1978, ông thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội, nhưng vì sức khỏe yếu, nên ông đành khép lại ước mơ, theo học trường Đại học Quản trị kinh tế Hà Nội.

Sau khi học xong, cơ duyên đã dẫn ông đến với nghiệp trồng người. Chưa từng theo học bất cứ lớp học nào về chuyên môn sư phạm, song bao năm nay, thầy Dương Đình Nghiệp đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò không chỉ ở Hà Nội, mà còn nhiều tình lân cận như Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên. Song suốt những năm qua, thầy Dương Đình Nghiệp không nhận mình là thầy, mà chỉ nhận là bác Nghiệp dạy Toán.

Giáo dục không chỉ là học chữ

Thầy Dương Đình Nghiệp luôn quan niệm rằng, giáo dục không chỉ đơn giản là học chữ, kiến thức để vượt qua thi cử, mà quan trọng là dạy cách làm người, cách sống để trở thành người tử tế trước khi thành người tài.

Trong căn phòng dạy học nhỏ của thầy Nghiệp, một dòng chữ to, được viết ngay phía trên bảng đen: "Kiên trì + đam mê = Thành tài". Bao năm qua, câu nói ấy của thầy đã trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ học trò.

"Học sinh đến đây không chỉ để học Toán, mà tôi muốn các em học được sự cố gắng của thầy, truyền cho các em niềm đam mê, yêu thích toán học, để các em yêu việc học trước rồi mới học". Phương pháp của thầy Nghiệp nói không với việc "nhồi nhét" kiến thức, mà chủ yếu tạo cảm hứng để học sinh thích thú, từ đó say mê học tập.

Những học sinh đến với lớp học của thầy Nghiệp còn thường được thầy giảng về thư pháp và đạo nho, cũng như âm nhạc truyền thống. Phương pháp dạy riêng biệt, lớp học 4 trong 1, học Toán, học nhạc, họa, thư pháp khiến nhiều học sinh hứng khởi khi đến với lớp học Toán tại nhà của thầy Nghiệp.

Nguyễn Thảo Như, sinh viên năm 4, Đại học Bách Khoa, Hà Nội, học sinh cũ của thầy Nghiệp hào hứng khi kể về những ngày học Toán nhà thầy: "Phương pháp dạy Toán của thầy rất dễ hiểu. Thầy thường đi từ những ví dụ thực tế để học sinh hiểu được bản chất của các dạng bài, nên chúng em ghi nhớ rất nhanh. Những khi căng thẳng, thầy cũng thường thổi sáo, chơi đàn, bởi vậy mà lớp học rất vui. Nhưng đến giờ, điều mà em nhớ nhất, vẫn là những bài học về nghị lực sống, về cách vươn lên trước những khó khăn trong cuộc sống mà thầy truyền đến chúng em".

Còn anh Vũ Huy Hoàng, quận Đống Đa, Hà Nội, hiện đang làm công việc kinh doanh chia sẻ: "Ngày đầu khi thấy thầy chỉ đứng mà không ngồi, tôi cũng rất tò mò, sau này khi biết thầy bị bệnh, mới càng thấy khâm phục thầy hơn. Nếu là những người khác, có lẽ đã sớm đầu hàng trước bệnh tật. Thú thực rằng trước kia, tôi rất ghét môn Toán, vì học quá kém. Nhưng sau khi học thầy, tôi đã nghĩ rằng, không có gì là không thể và quyết tâm học. Tôi cảm nhận được nghị lực và đam mê Toán học từ chính thầy. Điều đó giúp tôi rất nhiều".

Trong cuộc nói chuyện, thầy Nghiệp vẫn luôn chia sẻ rằng, khi một cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Trong những tiết học, thầy vẫn thường chia sẻ với học trò đôi câu thơ mà cả đời thầy tâm đắc nhất: "Bởi kiếp sống biến ta thành gỗ mục - Ta vươn mình hóa kiếp phong lan".

Ngoài việc dạy học, niềm vui của thầy Nghiệp còn là viết thư pháp, chơi các loại nhạc cụ. Ông là thành viên CLB thư pháp UNESCO, là người đầu tiên sáng tạo ra chữ thư pháp rồng phượng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước