Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường

Theo TTXVN-Thứ ba, ngày 27/02/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đang trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục xứ Thanh.

Thanh Hóa là một trong tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục; hàng năm, tỷ lệ học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic Quốc gia, Quốc tế, tỷ lệ học sinh đỗ đại học luôn đứng top đầu toàn quốc… Tuy nhiên, chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, bậc học tại Thanh Hóa còn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các vùng miền. Số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp cũng như trong công việc còn ít. Do vậy, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đang trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục xứ Thanh. 

* Còn nhiều hạn chế, yếu kém 

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 17.895 lớp học, với 551.788 học sinh ở cả 3 cấp học, tuy nhiên chỉ có trường Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn có 3 lớp học tiếng Nga và 3 lớp học tiếng Pháp với 198 học sinh (chiếm 0,2% số học sinh trung học phổ thông); còn lại 99,8% học sinh theo học môn tiếng Anh. Do vậy, hiện nay ngoại ngữ được dạy chủ yếu tại các trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là tiếng Anh. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, sau 9 năm triển khai Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực tế cho thấy chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trong các nhà trường còn thấp. 

Thống kê điểm thi môn tiếng Anh của học sinh tỉnh Thanh Hóa trong kỳ thi THPT Quốc gia 2 năm gần đây cho thấy: Năm 2015, toàn tỉnh có 2,32% học sinh đạt điểm khá giỏi; 3,03% học sinh đạt điểm trung bình; 94,65% học sinh đạt điểm yếu kém. Năm 2016 kết quả còn thấp hơn, chỉ có 0,46% học sinh đạt điểm khá giỏi; 1,83% học sinh đạt điểm trung bình và có đến 97,71% học sinh đạt điểm yếu kém. Thanh Hóa hiện xếp thứ 56/63 tỉnh thành cả nước về điểm trung bình thi tiếng Anh. 

Nguyên nhân được xác định do sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền có chênh lệch đáng kể, khu vực nông thôn, miền núi điều kiện kinh tế khó khăn nên việc dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức dạy và học theo hình thức phân ban dẫn tới tình trạng học lệch, học tủ, nhiều học sinh không quan tâm hoặc không có động cơ đối học ngoại ngữ. 

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ vừa thừa, vừa thiếu cục bộ ở hầu hết các cấp học, đặc biệt là những địa phương khó khăn, xa xôi, hẻo lánh. Tại một số địa phương, giáo viên ngoại ngữ phải dạy liên trường cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương) cho biết: Hiện tại nhà trường có 10 giáo viên Tiếng Anh biên chế và hợp đồng. Mặc dù hàng năm trường đều tạo điều kiện cho các giáo viên biên chế đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. 

Theo cô Hoàng Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất (xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa), trường hiện có 8 giáo viên dạy tiếng Anh, thừa 50% so với nhu cầu. Tuy nhiên, chỉ có 2/8 giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn C1 theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 6 giáo viên còn lại chỉ đạt trình độ đào tạo hệ tại chức. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, các thiết bị hỗ trợ phục vụ cho dạy và học ngoại ngữ ở trường như máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh... còn thiếu. Do vậy, dù các giáo viên đã có nhiều nỗ lực nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp môn tiếng Anh của trường nhiều năm qua vẫn nằm trong top cuối của cả tỉnh. 

* Đưa chất lượng dạy và học ngoại ngữ đạt mức khá so với cả nước 

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong các nhà trường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025". Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông đạt mức khá so với mặt bằng chung của cả nước. Có ít nhất 80% giáo viên các cấp được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội đối với việc học ngoại ngữ, tạo phong trào học ngoại ngữ rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị giáo dục tăng cường rà soát năng lực, đánh giá lại chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, lập kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Tỉnh cũng khuyến khích và vận động các nguồn lực cùng xây dựng phong trào học tiếng Anh ở các cấp học, bậc học nhằm giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị đào tạo ngoại ngữ uy tín có các phương thức hỗ trợ, tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường…        

Cùng với những giải pháp trên, ngành Giáo dục Thanh Hóa tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm 10 năm đối với tất cả các cấp học; xây dựng 3 trường gồm Tiểu học Ba Đình (thành phố Thanh Hóa), Trung học cơ sở  Nguyễn Chích (Đông Sơn), Trung học Phổ thông Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc) trở thành đơn vị điển hình về dạy, học tiếng Anh trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khuyến khích các đơn vị giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức nhiều chương trình hoạt động ngoài giờ, các câu lạc bộ... nhằm tạo ra một môi trường học tiếng Anh sôi nổi, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước