Tập huấn 95 giảng viên sư phạm chủ chốt xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngoại ngữ

PV-Thứ ba, ngày 23/11/2021 06:06 GMT+7

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lớp tập huấn

Việc tập huấn về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho giảng viên chủ chốt môn Ngoại ngữ là rất quan trọng.

Ngày 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tập huấn modul 4 "Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh" cho 95 giảng viên chủ chốt môn Ngoại ngữ của 7 trường sư phạm trọng điểm tham gia chương trình ETEP và trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội.

Phát biểu mở đầu, Thứ trưởng Bộ GDĐT đánh giá việc tập huấn modul 4 về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho giảng viên chủ chốt môn ngoại ngữ là rất quan trọng. Bởi, đây là những "máy cái" sẽ tập huấn tiếp nội dung mang tính khác biệt cơ bản giữa chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 với CT GDPT 2006 này, cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ cốt cán các trường phổ thông trên cả nước, đồng thời hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng qua mạng.

Theo Thứ trưởng, GDPT 2006 được "bao cấp" cả nước, các trường thực hiện chung một phân phối chương trình, theo hướng dẫn từ bộ sách giáo khoa duy nhất. CT GDPT 2018 thì phân cấp trực tiếp cho các nhà trường được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục riêng, phù hợp với điều kiện triển khai của cơ sở. Giáo viên trên cơ sở kế hoạch chung của trường, của tổ chuyên môn, sẽ xây dựng kế hoạch bài giảng với các hoạt động dạy học, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá phù hợp với đối tượng học sinh, giúp các em hình thành-phát triển phẩm chất-năng lực.

"Với nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên đối với chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ GDĐT đã chỉ đạo triển khai các hoạt động tập huấn bài bản, chặt chẽ. Và để giáo viên hiểu đúng, thực hiện hiệu quả các nội dung bồi dưỡng này thì ngay từ ban đầu khi tập huấn cho giảng viên chủ chốt - những "linh hồn" của các khóa tập huấn cho giáo viên phổ thông, chúng ta phải đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói và đề nghị giảng viên tham gia khóa tập huấn sẽ nghiêm túc, trách nhiệm. Giảng viên phải nắm kỹ, hiểu sâu về CT GDPT 2018, những khác biệt so với CT 2006 đặc biệt ở việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học; từ đó hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên triển khai hiệu quả.

Theo báo cáo của ban tổ chức, 95 giảng viên chủ chốt môn Ngoại ngữ tập huấn modul 4 đã có 5 ngày tự nghiên cứu tài liệu qua mạng. Sau 3 ngày trao đổi trực tiếp với báo cáo viên nguồn là lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, chuyên gia đến từ trường đại học, các giảng viên sẽ tiếp tục tự nghiên cứu tài liệu online và hoàn thành bài đánh giá đầu ra của khóa học.

Lưu ý thêm về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường đối với môn Ngoại ngữ, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, từ lớp 3 theo CT GDPT 2018, học sinh sẽ học bắt buộc môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, từ lớp 1, lớp 2, học sinh có thể được làm quen với môn ngoại ngữ này theo chương trình và nhiều sách giáo khoa Bộ GDĐT thẩm định, ban hành. Với 70 tiết học/năm của môn Tiếng Anh đối với mỗi lớp 1, 2, Bộ GDĐT đã tổ chức kho bài giảng phát sóng trên truyền hình, để học sinh dù ở các trường vùng khó, nơi chưa bố trí được giáo viên, vẫn có thể học tập, làm quen.

"Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tôi mong rằng các cơ sở giáo dục sẽ có mục tiêu riêng đối với môn Tiếng Anh; trong đó cố gắng để 100% học sinh được làm quen với ngoại ngữ này từ lớp 1, 2, theo nhiều cách khác nhau, trong đó có cả giải pháp học trên truyền hình. Mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ học sinh được tiếp cận giáo dục công bằng, dần xóa bỏ khoảng cách vùng miền trong dạy môn ngoại ngữ", Vụ trưởng Thái Văn Tài nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước