Tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư trong giáo dục

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 17/10/2020 06:45 GMT+7

VTV.vn - Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Ngày 16/10, tại TP. HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức "Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục". Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 khách mời là đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số Sở GDĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số Tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán tại Việt Nam; đại diện các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; các cơ sở giáo dục có giảng dạy chương trình nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư trong giáo dục - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Diễn đàn

"Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục" được tổ chức nhằm giới thiệu các chính sách về hợp tác và đầu tư trong giáo dục; kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước tham gia và đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong giáo dục của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.

Tính đến 31/12/2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỉ USD. Việt Nam hiện có 05 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư trong giáo dục - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tham quan gian hành trưng bày tại Diễn đàn

Với chính sách thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đến nay Việt Nam đã có gần 3.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần bổ sung nguồn lực cho giáo dục, cung cấp thêm cơ hội cho người học. Một số cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đã khẳng định được chất lượng chương trình và phương pháp giảng dạy qua việc tích hợp giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam với chương trình giảng dạy của các nước tiên tiến (như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Autralia, Phần Lan...).

"Chính sách hội nhập quốc tế trong giáo dục đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Việt Nam đã có 3 cơ sở được xếp hạng vào danh sách 1000 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới và 8 cơ sở được xếp hạng trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu Châu Á. Đối với giáo dục phổ thông, học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực và được xếp hạng cao trong chương trình đánh giá quốc tế PISA", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, mặc dù việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư trong giáo dục - Ảnh 3.

PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng trao đổi tại Diễn đàn

Với việc tổ chức "Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục" để các địa phương và nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng chia sẻ nhu cầu, những bài học kinh nghiệm về đầu tư vào giáo dục, Thứ trưởng tin tưởng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục do nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Dante Brandi, Tổng lãnh sự Italia tại TPHCM nhấn mạnh: Italia không phải là nhà đối tác lớn nhất tại Việt Nam về giáo dục và đầu tư vào giáo dục so với những nước châu Âu và ngoài châu Âu khác, nhưng là một đối tác chiến lược, chất lượng và tâm huyết với lĩnh vực cực kỳ quan trọng này trong quan hệ hợp tác song phương. Từ năm 2013 Italia đã mở Văn phòng Uni Italia tại Việt Nam chuyên về quảng bá và hỗ trợ hợp tác giáo dục đại học.

Đánh giá cao những chính sách được Chính phủ, Bộ GDĐT Việt Nam ban hành gần đây, trong đó đặc biệt là Nghị định 86 đã đưa ra các quy trình rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư trong giáo dục, ông Dante Brandi khẳng định: Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Italia luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tiềm năng tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau và đi đến hợp tác hiệu quả.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư trong giáo dục - Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Tọa đàm tại Diễn đàn

Là một trong những tập đoàn giáo dục đi đầu trong việc tạo nên một hệ sinh thái giáo dục quốc tế hoàn chỉnh, từ mầm non đến đại học và sau đại học, PGS.TS Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng chia sẻ: Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục, Tập đoàn Nguyễn Hoàng mong muốn được đồng hành cùng các nhà đầu tư tâm huyết trong và ngoài nước; được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về đất đai và cung cấp các dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới; được các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý để những mô hình chưa có trong thực tiễn giáo dục Việt Nam, điển hình như Thành phố giáo dục quốc tế được áp dụng một cách nhanh nhất, giúp mang đến cho thế hệ trẻ Việt Nam những sản phẩm giáo dục ngang tầm thế giới.

Đại diện cho Trường Đại học Văn Lang trao đổi tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, cách mạng kỹ thuật số trong thời đại 4.0 tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục đào tạo, đồng thời tạo nhiều thách thức to lớn đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi, đáp ứng các yêu cầu về trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư trong giáo dục - Ảnh 5.

10 thỏa thuận hợp tác đầu tư trong giáo dục giữa các đối tác Việt Nam và các nước được ký kết tại Diễn đàn

Nhận thức sâu sắc về tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với hoạt động giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Cao Trí đề xuất: Cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian đào tạo vì lợi ích người học, đổi mới phương pháp và phức thức đào tạo. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác công tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển. Với tiềm lực lớn của mình, Đại học Văn Lang đang khuyến khích triển khai công nghệ và kêu gọi đầu tư để vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, kết nối người học bằng công nghệ.

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra cuộc Tọa đàm trao đổi về các chính sách hợp tác đầu tư trong giáo dục. Nhiều đề xuất, khuyến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư trong giáo dục tại Việt Nam và các mô hình, các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong giáo dục mầm non, phổ thông và đại học cũng đã được chia sẻ tại Tọa đàm này.

Cũng tại "Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục" đã có 10 thỏa thuận hợp tác đầu tư trong giáo dục giữa các đối tác Việt Nam và các nước được ký kết.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước