Trong các kỳ thi, môn Toán là môn thi bắt buộc. Và thực tế, đây là môn thi hoàn toàn có thể giành được điểm tuyệt đối khi các bạn học sinh nắm chắc kiến thức, ôn luyện kỹ càng và tính toán cẩn thận. Và trong trường hợp không thể đạt được điểm tuyệt đối, khả năng giành điểm khá, giỏi là điều nhiều bạn học sinh tính đến.
Theo các giáo viên dạy Toán, để đạt được điểm khá, giỏi ở môn Toán nói riêng, và các môn tính toán khác nói chung, trợ thủ không thể thiếu của các sĩ tử là máy tính bỏ túi. Đây cũng là một trong những vật dụng luôn sát cánh với các bạn học sinh trong quá trình học tập, làm bài kiểm tra hay vào phòng thi.
"Nếu quên mang máy tính bỏ túi, thí sinh sẽ rất khó làm bài thi môn Toán", thầy Ngân Kỳ - giáo viên dạy Toán quen thuộc trên chương trình Chinh phục kỳ thi trên VTV7 chia sẻ.
Lợi ích bất ngờ từ "trợ thủ" máy tính bỏ túi
Trước các bài toán dù ở dạng dễ hay khó, học sinh chính là người đưa ra giải pháp, hướng giải để triển khai còn máy tính cầm tay là "trợ thủ" đắc lực trong quá trình giải. Máy tính bỏ túi sẽ làm nhiệm vụ đưa ra kết quả dựa theo cách làm của học sinh. Vì thế, đây là vật dụng cất thiết, thậm chí là vật bất ly thân với các sĩ tử trên con đường chinh phục môn Toán.
Nhiều trường hợp, thí sinh đi thi quên mang theo máy tính bỏ túi và hẳn là sẽ "ngắc ngoải" trước những bài toán mà người ra đề bắt buộc thí sinh phải có máy tính mới đủ thời gian giải được. Vì thế, điều quan trọng trước khi thí sinh đi thi mà phụ huynh cần làm là nhắc nhở con em mang theo máy tính cầm tay và động viên bình tĩnh khi đến trường thi.
Theo thầy Ngân Kỳ - thầy giáo quen thuộc của chương trình Chinh phục kỳ thi trên VTV7, tốc độ giải toán phụ thuộc khá nhiều tư duy của mỗi bạn học sinh và đồng thời cũng phụ thuộc vào việc sử dụng máy tính cầm tay. Sau khi đã tìm ra hướng giải bài, các bạn học sinh cần tăng tốc bằng cách sử dụng máy tính bỏ túi một cách thuần thục để có những phép tính chính xác, tốc độ. Trong thời gian thi eo hẹp, việc xử lý tốc độ các bài toán dễ trước, khó sau sẽ giúp các thí sinh kiếm được điểm số ở những bài trong khả năng và có thời gian để suy nghĩ những bài toán khó hơn trong đề thi.
Thầy Ngân Kỳ cùng các sĩ tử ôn luyện môn Toán trong chương trình Chinh phục kỳ thi trên VTV7.
"Máy tính bỏ túi rút ngắn thời gian làm của thí sinh, tốc độ làm bài nhanh hơn. Việc này, máy tính bỏ túi sẽ làm tốt hơn chúng ta, nhất là khi trong giờ làm bài, các bạn học sinh còn phải chịu áp lực không hề nhỏ", thầy Ngân Kỳ nói.
Lời khuyên nữa mà thầy giáo đang giảng dạy ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đưa ra với các bạn học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đối với việc sử dụng máy tính cầm tay đó là cần phải làm quen, phải sử dụng thực sự thành thạo chiếc máy tính của mình.
Với một chiếc máy tính mới, các bạn học sinh sẽ không thể thao tác nhanh nhẹn và thuần thục. Vì thế, sau khi mua về, các bạn học sinh cần phải nghiên cứu các tính năng mới, ưu việt của chiếc máy tính cầm tay của mình để sử dụng một cách hiệu quả. Và muốn thế, không có cách nào khác, các bạn học sinh cần phải ôn luyện càng nhiều càng tốt, làm các dạng bài, thử nhiều cách để cho ra đáp số theo các hướng đi khác nhau.
Sau khi tiết kiệm được kha khá thời gian với việc tăng tốc làm bài thi, với chiếc máy tính cầm tay thân thuộc của mình, các sĩ tử có thể ngồi rà soát lại các phép tính của mình một lần nữa. Và dĩ nhiên, chiếc máy tính cầm tay lúc này lại phát huy tác dụng về tốc độ tính toán, độ chính xác được đảm bảo khi thí sinh đang chịu áp lực lớn. Không có gì đảm bảo cho việc tính nhẩm hay tính toán cộng/trừ/nhân/chia ra giấy nháp thi chắc chắn đúng nếu trong những hoàn cảnh như thế.
Nhưng hãy coi máy tính bỏ túi là công cụ, tránh lạm dụng!
Tuy máy tính bỏ túi giúp ích rất nhiều cho các sĩ tử nhưng việc lạm dụng, dựa dẫm quá nhiều vào "trợ thủ" này cũng mang đến những vấn đề lợi bất cập hại.
Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân cũng là một trong những thầy giáo quen mặt với học sinh trong chương trình Chinh phục kỳ thi trên VTV7 cho rằng, vấn đề chung của máy tính bỏ túi đó là có một số "bài tập tương đối đặc thù" thì sẽ không cho ra kết quả hoặc cần rất nhiều thời gian thì mới cho ra kết quả. Ví dụ, với những dãy số tiến đến các giới hạn nào đó nhưng với "tốc độ rất chậm", hoặc với một vài tích phân xác định mà hàm số dưới dấu tích phân tăng "đột biến" xung quanh một điểm nào đó,… Đây là vấn đề khó khăn khách quan. Ngay cả máy tính để bàn với công năng vượt trội cũng sẽ gặp những vấn đề tương tự.
"Cái chính tôi muốn đề cập đến một vấn đề lâu dài có liên quan đến việc sử dụng máy tính điện tử. Việc dùng máy tính điện tử một cách sai lầm hoặc bị động có thể để lại nhiều tác hại lâu dài", thầy Lân khuyến cáo.
Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân có nhiều bài giảng hay về môn Toán trên truyền hình.
"Tôi đã chứng kiến trực tiếp qua học sinh các cấp 2, 3 và cả sinh viên đại học. Có những em 2 nhân 3 cũng mang máy tính ra tính; có những em sinh viên Đại học khi giải một phương trình đa thức bậc 3 mà đã có sẵn một nhân tử bậc nhất (có nghĩa là có sẵn một nghiệm) lại khai triển hết ra để nhập hệ số vào máy tính để tìm nghiệm – nghĩa là đi một con đường rất vòng vèo và bỏ qua những thông tin đã có.
Các em sẽ ít suy nghĩ, ít tư duy khi ngay từ những bước nhỏ đã phụ thuộc quá nhiều vào máy tính. Ở nhiều nơi trên thế giới họ có bán những quyển sổ gồm nhiều bài toán tính toán cộng, trừ, nhân, chia đơn giản để một số người cao tuổi có thể mua và luyện tập. Điều đấy phần nào cũng cho thấy việc tự tính toán nhẩm nó quan trọng như thế nào với sự phát triển hay duy trì hoạt động của trí não".
Thầy Lân đưa ra lời khuyên: "Chúng ta nên dùng ở mức độ vừa phải, tính toán thống kê, dự đoán,… chứ không nên dựa hẳn vào nó. Trước hết, như đã nói ở trên, bản thân máy tính bỏ túi cũng có một số vấn đề riêng. Thứ hai, việc cố học và nhồi nhét các thủ thuật để bằng mọi cách đạt được kết quả, thì cũng tốn không ít thời gian. Thay vì thế, chúng ta nên học cơ bản, biết cách dẫn dắt, và dùng máy tính bỏ túi ở những bước cần trợ giúp cho việc tính toán".
Sử dụng máy tính bỏ túi đúng cách đạt điểm cao nhất
Một số dạng toán nếu sử dụng máy tính cầm tay sẽ đưa ra kết quả nhanh và rất có lợi cho thí sinh trong lúc làm bài. Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân đưa ra gợi ý: "Dùng máy tính bỏ túi sẽ đặc biệt hữu ích khi dùng trong thống kê, các bài toán đếm: tính toán giá trị trung bình, phương sai, độ lệch chuẩn, số tổ hợp, chỉnh hợp… Hay như các em có thể dùng để dự đoán nghiệm, dự đoán giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của một hàm số hoặc tính toán một số tích phân cơ bản".
"Môn xác suất thống kê nếu biết sử dụng máy tính thì sẽ có lợi hơn nhiều. Hay như phần giải để lọc ra nghiệm. Với máy tính cầm tay, học sinh chỉ cần thao tác bấm vài nút là có thể lọc ra nghiệm nhưng vấn đề là có những bài thi có "bẫy", thí sinh có thể lọc ra nghiệm sai. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra và thí sinh phải lưu ý.Với bài tích phân, nếu đề thi chọn một hàm tương đối đặc biệt, 2 máy tính có thể ra 2 kết quả khác nhau. Đây là do thuật toán của máy tính", thầy Lân cho hay.
Những lỗi hay gặp với máy túi bỏ túi
- Không chuyển giữa Rad và Degree khi làm những bài tập lượng giác;
- Có những bài liên quan đến giới hạn, do đặc thù của việc hội tụ rất chậm, nên học sinh có thể kết luận sai do máy tính cần quá nhiều thời gian để tính (học sinh sẽ nghĩ giới hạn không tồn tại); hoặc có thể chọn sai giá trị của giới hạn khi thử với số số hạng chưa đủ lớn…
- Nhập sai số liệu do quá "quen tay", hoặc ra kết quả sai mà không có tư duy phản biện do quá phụ thuộc vào máy tính;…
Đồng quan điểm, thầy Ngân Kỳ cho rằng, cùng một cách tính nhưng với máy tính cầm tay này có kết quả này nhưng với chiếc khác lại cho ra kết quả khác. "Đó là do cơ chế làm tròn khác nhau dẫn tới nhiều đáp án có thể gây nhiễu loạn cho thí sinh", thầy Ngân Kỳ lý giải.
Vì thế, nếu muốn hoàn thành tốt bài thi, các thí sinh cần làm chủ chiếc máy tính cầm tay của mình, tránh những sai lầm đáng tiếc do chính chiếc máy gây ra.
"Khi đi thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, các thí sinh cần chuẩn bị bút, các dụng cụ học tập được phép mang vào phòng thi và đặc biệt là máy tính bỏ túi khi thi môn Toán. Tốt nhất, thí sinh nên mang 2 chiếc máy tinh bỏ túi cùng loại theo tránh trường hợp hết pin hoặc có trục trặc bất ngờ xảy ra", thầy Ngân Kỳ đưa ra lời khuyên với các sĩ tử.
Học toán thú vị với "trợ thủ" đắc lực
Thực tế cho thấy, nhiều bạn học sinh đã tận dụng rất tốt chiếc máy tính cầm tay trong giải toán. Đối với hình thức trắc nghiệm, đôi khi sử dụng máy tính bỏ túi có thể đoán ra kết quả ngay nhưng chỉ cần đổi một chút thì mọi chuyện sẽ rất khác.
Máy tính bỏ túi trở thành trợ thủ đắc lực của các bạn học sinh, sinh viên yêu thích môn Toán
Tuy nhiên, hiện nay, một số loại máy tính bỏ túi đã có những cải tiến khá ưu việt, dĩ nhiên là những loại được phép mang vào phòng thi.
Đơn cử như với chiếc máy tính bỏ túi FX680VN Flexio có thể dễ dàng tìm phương trình đường thẳng, tính độ dài đoạn thẳng, tìm số dư, tính phương trình bậc 4. Ngoài ra, việc dịch chuyển nhanh con trò, lấy ngẫu nhiên 1 chữ cái alphabet trở nên đơn giản, máy tự đóng ngoặc.
Đáng nói đây là chiếc máy tính bỏ túi hiếm hoi mà các bạn học sinh ưa dùng hiện nay có tính năng báo pin yếu trước 30 tiếng. Điều này rất thuận tiện cho các sĩ tử trước mỗi kỳ thi, giúp các bạn không nhất thiết 2 chiếc máy túi bỏ túi theo để đề phòng hết pin giữa chừng.
"Những lúc rảnh, mầy mò các tính năng của máy tính bỏ túi khá hay và giúp việc giải toán thú vị hơn với nhiều cách khác nhau", bạn Minh Phương chia sẻ.
Theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDDT, về nguyên tắc chung, máy tính bỏ túi được phép đem vào phòng thi là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!