SGK lớp 2 mới liệu có kịp triển khai từ năm học 2021- 2022?

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 19/08/2020 05:54 GMT+7

VTV.vn - Hiện còn khoảng 1 năm nữa để hoàn thành các công đoạn đưa sách giáo khoa lớp 2 mới vào sử dụng từ năm học 2021- 2022.

Thông báo về công tác chuẩn bị tổ chức thẩm định SGK lớp 2, TS Thái Văn Tài – Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay đã hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK lớp 2, lớp 6, Vụ Giáo dục Tiểu học đã tiếp nhận hồ sơ của 4 đơn vị nhà xuất bản (NXB) gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, với 33 bản mẫu tương ứng đủ 9 môn học/hoạt động giáo dục lớp 2.

Cụ thể, môn Tiếng Việt 3 cuốn; môn Toán 4 cuốn; môn Đạo Đức 3 cuốn; môn Tự nhiên - Xã hội 3 cuốn; môn Giáo dục Thể chất 3 cuốn; môn Nghệ thuật (Âm nhạc) 3 cuốn; môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) 3 cuốn; Hoạt động trải nghiệm 3 cuốn; môn Tiếng Anh 8 cuốn.

Thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao và các quy định đối với đơn vị tổ chức thẩm định, Vụ Giáo dục Tiểu học đã tổ chức rà soát và khẳng định tính đầy đủ, hợp lệ của các hồ sơ đề nghị thẩm định.

Trên cơ sở đó, Vụ Giáo dục Tiểu học đã tham mưu Bộ trưởng và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ban hành Quyết định thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2.

Vụ Giáo dục Tiểu học (đơn vị tổ chức thẩm định) đã gửi các bản mẫu SGK đến từng thành viên Hội đồng thẩm định để nghiên cứu độc lập về các bản mẫu SGK.

SGK lớp 2 mới liệu có kịp triển khai từ năm học 2021- 2022? - Ảnh 1.

TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học phát biểu Ảnh: Báo GD&TĐ.

Sau 15 ngày theo quy định, Bộ GD&ĐT đã triệu tập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 từ ngày 18/8/2020, trong đó mỗi bản mẫu SGK lớp 2 được họp thẩm định không quá 5 ngày.

Theo TS Thái Văn Tài, trong quá trình thẩm định SGK, các Hội đồng cần tăng cường vai trò Chủ tịch, Phó chủ tịch hội đồng, thư ký giám sát. Hoạt động thẩm định cần chuẩn mực và dứt khoát về mặt chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả và không chịu tác động từ bên ngoài.

Hầu hết thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 đều đã có kinh nghiệm thẩm định SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới khi năm 2019 tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 - đây là lợi thế lớn của các thành viên, nhưng Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đề nghị không vì thế mà chủ quan. Tất cả các công việc liên quan đến thẩm định SGK cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình mà Bộ GD&ĐT đã quy định.

TS Thái Văn Tài nhấn mạnh, để SGK lớp 2 mới kịp triển khai từ năm học 2021- 2022 thì Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt SGK mới trước 30/11/2020.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 23 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33 để bổ trợ, làm chặt chẽ hơn cho quy trình thẩm định SGK và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà Thông tư 33 trước đó chưa lường hết được.

Theo quy định mới của Thông tư 23 thì mỗi năm Bộ GD&ĐT chỉ giới hạn tổ chức thẩm định SGK nhiều nhất là 2 đợt; mỗi đợt thẩm định không quá 2 vòng, thay vì có 3 vòng thẩm định SGK lớp 1. Lý do của việc thay đổi này là để đảm bảo có đủ SGK kịp tiến độ triển khai CT GDPT mới. Việc thẩm định kéo dài 3 vòng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt, lựa chọn, in ấn, phát hành SGK.

Theo Thông tư 23, các bản mẫu SGK ở vòng thẩm định thứ 2 được Hội đồng quốc gia đánh giá là "không đạt" và "đạt nhưng cần sửa chữa" đều sẽ bị loại. Các bản mẫu SGK được đánh giá "đạt nhưng cần sửa chữa" ở vòng 2 (đợt 1), khi tham gia thẩm định đợt 2 sẽ phải tuân thủ quy trình từ đầu. Đợt thẩm định bản mẫu SGK thứ 2 sẽ áp dụng với các bản mẫu SGK của những môn học/hoạt động giáo dục mà đợt 1 chưa có, các sách "đạt nhưng cần sửa chữa" ở vòng 2 trong đợt 1 và các bản mẫu sách giáo khoa mới. Trong trường hợp có môn học không có đơn vị nào đăng ký thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm biên soạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước