"Sẽ xác định các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào làm căn cứ tuyển sinh"

-Thứ sáu, ngày 19/12/2014 09:50 GMT+7

Ảnh minh họa

Căn cứ vào kết quả thi của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, đối tượng ưu tiên, Bộ GD-ĐT sẽ xác định các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để làm căn cứ tuyển sinh.

Như đã thông tin, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2015 đã có những thay đổi. Đối với kỳ thi THPT Quốc gia chung, điều mà dư luận quan tâm nhất là cách thức thực hiện phải đảm bảo tính chính xác và khách quan của kết quả thi vì kết quả này sẽ được dùng để tuyển sinh vào các trường đại học. Phóng viên VTV có cuộc phỏng vấn với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT về nội dung này.

Trung thực và chính xác là điều xã hội đòi hỏi với bất cứ kỳ thi nào, đặc biệt với kỳ thi THPT Quốc gia chung. Vậy Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp gì thể hiện trong quy chế lần này để có thể đảm bảo sự trung thực và chính xác đó?

- Chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và ở tất cả các khâu. Thứ nhất, đề thi sẽ kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo định hướng đánh giá năng lực của học sinh. Cụ thể, trong đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi dạng vận dụng, câu hỏi mở, yêu cầu học sinh phải sử dụng kiến thức tổng hợp, hiểu biết xã hội để trả lời chứ không yêu cầu nặng về phần ghi nhớ máy móc hoặc trả lời theo bài mẫu trước đây.

Thứ hai, trong công tác coi thi, chấm thi, trong quy chế quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Cụ thể, trách nhiệm của ban chỉ đạo cấp quốc gia như thế nào, trách nhiệm của ban chỉ đạo cấp tỉnh, trách nhiệm của hội đồng thi, cán bộ coi thi và các ban liên quan trong hội đồng thi.

Điều gì thể hiện là chúng ta mạnh tay hơn, quyết liệt hơn trong việc xử lý, thưa ông?

- Việc Bộ GD-ĐT quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc đã thể hiện rất rõ trong việc tổ chức cụm thi. Cụ thể, chủ trì các cụm thi, mặc dù là cụm thi liên tỉnh hoặc tỉnh đều đặt dưới sự chủ trì của các trường ĐH và sự tham gia của các Sở GD-ĐT. Với các quy trình đổi mới kỳ thi như năm 2014, kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã có những chuyển biến rất rõ rệt trong việc đảm bảo an toàn kể cả trong khâu tổ chức thi, khâu chấm thi và khâu xét tuyển. Đây là những yếu tố ban đầu để Bộ GD-ĐT tiếp tục làm quyết liệt hơn trong kỳ thi tới.

Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng những giải pháp như thế nào để có thể đảm bảo được tính chính xác và khách quan trong khâu tuyển sinh đầu vào các trường ĐH, CĐ khi mà chúng ta đã giao quyền gần như hoàn toàn vào tay các trường?

- Thứ nhất, hỗ trợ cho việc các trường ĐH, CĐ thuận lợi trong tuyển sinh với yêu cầu phân hóa trình độ học sinh ngày càng cao thì dự kiến trong kỳ thi THPT Quốc gia, điểm bài thi sẽ được chấm theo thang 20 điểm. Thứ hai, sau khi có kết quả thi, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh trong phạm vi cả nước, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, đối tượng ưu tiên, Bộ GD-ĐT sẽ xác định các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để làm căn cứ tuyển sinh. Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ xây dựng cho mình phương án để xét tuyển. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường khâu hậu kiểm trong việc xét tuyển này và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc xét tuyển.

Xin cảm ơn ông vè cuộc trao đổi!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước