Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý.
Trong báo cáo về một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo gửi các đại biểu dự kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục tiêu chung của đổi mới thi và tuyển sinh là đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng kết quả với 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo phương án, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh được thực hiện qua 2 bước đảm bảo khoa học và khả thi: giai đoạn đầu là đổi mới cách thức tổ chức thi và giai đoạn thứ hai là đổi mới phương thức thi với sự điều chỉnh hợp lý để dần hoàn thiện qua từng giai đoạn, không gây "sốc" hoặc tạo hiệu ứng "ngược" đối với quá trình dạy học, tạo tâm lý ổn định cho học sinh, giáo viên, gia đình và xã hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu chung của đổi mới thi và tuyển sinh là đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội.
Đổi mới thi, tuyển sinh liên quan đến hàng triệu thí sinh, là mối quan tâm của toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cầu thị, lắng nghe những ý kiến hay, những giải pháp khả thi để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.
Những điều chỉnh trong phương án thi, tuyển sinh năm 2017 đã có sự thay đổi về cách tổ chức thi, môn thi, thời gian thi, chấm bài thi… Đây là những giải pháp khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh.
Trước đó, ngày 28/09/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Ngày 06/10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017 để giáo viên và học sinh tham khảo. Dư luận xã hội đánh giá tích cực về nội dung cũng như về phương thức thi trắc nghiệm khách quan.
Theo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với giáo dục thường xuyên).
Kết quả chấm thi các bài thi tổ hợp sẽ cho biết điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới). Điểm liệt đối với mỗi bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 1,0 điểm.
Đề thi năm 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!