Phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 10/08/2024 11:29 GMT+7

VTV.vn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã nhận định điều này tại Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024 diễn ra sáng 9/8, đề cập đến công tác tuyển sinh Đại học năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng nhiều trường vẫn còn quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn và khó khăn cho Hệ thống trong quá trình xét tuyển. Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Các ngành, chương trình đào tạo vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành. Một số khối ngành như khối ngành II (Nghệ thuật), khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh. Công tác truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập, kiện toàn hội đồng trường, quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường với ban giám hiệu tại một số đơn vị.

Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GDĐT còn lúng túng, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm; hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng chậm, chưa đồng đều giữa các ở sở giáo dục đại học.

Báo cáo tổng quan về công tác tuyển sinh năm 2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: Công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, ghi nhận những phản hồi tích cực từ phía thí sinh, phụ huynh. Đối với thí sinh, việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển theo ngành, chương trình đào tạo, không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển, không bị giới hạn số lần. Việc đăng ký xét tuyển thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh không phải nộp minh chứng về lịch sử thường trú để được cộng điểm ưu tiên theo khu vực. Việc nộp lệ phí xét tuyển hoàn toàn trực tuyến thông qua dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan - Ảnh 2.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Đối với các cơ sở đào tạo, thực hiện xét tuyển và xử lý nguyện vọng chung; tổ chức thi năng khiếu cho thí sinh hoặc thi khác (nếu có). Các trường đã xây dựng phương án để không xảy ra tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển (do cơ sở đào tạo đã tuyển đủ). Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các Sở Giáo dục và Đào tạo để rà soát lại các trường hợp được cộng điểm ưu tiên theo lịch sử thường trú; có phương án hỗ trợ thí sinh, giải quyết các vướng mắc, sai sót triệt để, tránh rủi ro.

Ban chỉ đạo quốc gia phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, 2 nhóm trường (56 trường phía Bắc; 87 trường phía Nam) và các trường xử lý nguyện vọng độc lập để thực hiện công tác lọc ảo, hỗ trợ tuyển sinh. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.

Đến thời điểm này, thí sinh đã hoàn thành giai đoạn nộp lệ phí đăng ký xét tuyển, chờ kết quả sắp xếp, lọc ảo nguyện vọng để tiếp tục xác nhận nhập học trực tuyến khi đủ điều kiện trúng tuyển. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, quy trình này cần được nhắc nhở, đôn đốc, thực hiện đúng thời gian theo quy định.

Một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá

Đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 khối GDĐH, về phương hướng chung, bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành theo các chương trình hành động, chương trình công tác trong nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ chưa thực sự đảm bảo độ tin cậy, khách quan - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Xuân Phú

Một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị ĐH, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở GDĐH.

Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ hệ thống GDĐH, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước