Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có sự thay đổi về chất

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ tư, ngày 31/01/2024 07:11 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Theo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh giảm áp lực nhưng những người làm công tác thi cử và nhà trường sẽ vất vả hơn.

Bộ GD&ĐT công bố phương án thi và cấu trúc định dạng đề thi giúp các trường THPT có thông tin quan trọng nhất, làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Điểm mới quan trọng của kỳ thi là thí sinh chỉ phải thi 4 môn, gồm: Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Do đó, trước khi tổ chức lớp ôn thi tốt nghiệp, một động thái không thể thiếu ở nhà trường là khảo sát việc chọn 2 môn thi còn lại của học sinh. Công việc này nhiều trường đã triển khai, nhưng không ít trường mới chỉ lên kế hoạch. Việc triển khai hầu như là tự phát vì đến nay chưa nhiều địa phương chỉ đạo thống nhất bằng văn bản từ Sở GD&ĐT.

Tổ chức khảo sát 2 môn thi tự chọn cần có sự chuẩn bị nhất định mới thu được kết quả tin cậy. Cụ thể, cần thời gian đủ dài để học sinh hiểu về phương án thi mới, xác định định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành học, chọn trường, tìm hiểu thông tin tuyển sinh (đặc biệt các tổ hợp môn xét tuyển), để có thể đưa ra lựa chọn môn thi phù hợp.

Trên thực tế, có trường khảo sát sớm nhưng kết quả độ chính xác không cao, học sinh chọn môn theo cảm tính, hoặc theo bạn bè vì không hiểu, chưa được tư vấn kỹ; thể hiện ở việc nhiều em xin thay đổi nguyện vọng sau khi nhà trường xếp lớp ôn tập.

Nắm bắt việc này, sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều trường THPT đã ưu tiên trước hết là thông tin về phương án, những điểm mới so với phương án thi hiện hành cho học sinh, phụ huynh.

Công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong lựa chọn môn thi, bảo đảm phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp được các nhà trường coi trọng. Chỉ khi các em thực sự hiểu về phương án thi, biết mình muốn gì và năng lực ở từng môn học thế nào; đồng thời được tư vấn chu đáo từ nhà trường, gia đình mới có lựa chọn phù hợp.

Học sinh cũng hết sức lưu ý, môn đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025 các em phải được học ở lớp 12, bởi một trong những mục đích của kỳ thi này là làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của nhà trường và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục.

Với nhà trường, điều quan trọng là cần thấy trước vấn đề có thể gặp phải khi cho học sinh lựa chọn môn thi để sẵn sàng phương án, giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi người học. Sẽ có trường hợp lựa chọn môn của học sinh tản mạn, dẫn đến có môn ít lựa chọn, gây khó khăn trong bố trí giáo viên, xếp lớp ôn tập.

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có sự thay đổi về chất - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có sự thay đổi về chất. Học sinh giảm áp lực, chỉ phải thi 4 môn, lại được quyền lựa chọn 2 môn theo sở thích, năng lực, định hướng nghề nghiệp, đúng theo tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, những người làm thi và nhà trường sẽ vất vả hơn. "Vì quyền lợi người học, tạo thuận lợi tối đa cho người học, thầy cô giành phần vất vả về mình". Tinh thần nhân văn chắc chắn sẽ được tiếp nối trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Trước đó, vào tháng 11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Về môn thi, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GDĐT.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Theo phương án được phê duyệt việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi được thực hiện như sau:

Bộ GDĐT chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức Kỳ thi; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo Lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Phương án thi được thực hiện từ năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước