Bộ GD-ĐT đang dự kiến đưa ra phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và xét tuyển ĐH, CĐ từ kết quả của kỳ thi này. Trước khi phương án mới được ban hành, Bộ đang xin ý kiến từ các các trường ĐH, Học viện.
Bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần
Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 dự kiến sẽ giữ nguyên như phương án của kỳ thi năm 2017. Các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Trong đó, bài thi Khoa học tự nhiên là tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học còn bài thi Khoa học xã hội là tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông và tổ hợp môn Lịch sử, Địa lí đối với Giáo dục thường xuyên.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và/hoặc bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường ĐH, CĐ học viện cho ý kiến.
Phương án một là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017.
Phương án hai là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.
Nếu theo phương án hai, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển trong đó bắt buộc phải có 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán; hoặc 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.
Trước đó, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau về phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp với 3 môn thi thành phần được tách riêng tại kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT cùng các trường "xem lại" phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp.
Theo ông Vũ Đức Đam, việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt thực chất là giúp các trường ĐH, CĐ thuận lợi trong xét tuyển nhưng lại khiến công tác ra đề, tổ chức thi cho tới chấm thi trở nên phức tạp trong khi thí sinh lại mệt mỏi vì phải thi 3 môn thi liên tiếp trong cùng một khoảng thời gian.
Phương án thi mới sẽ thuận tiện hơn với thí sinh
Đóng góp vào việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, có một số ý kiến cho rằng, với phương án mới của Bộ GD-ĐT đưa ra, học sinh sẽ gặp khó khăn vì phải chuẩn bị lại cho việc ôn tập nhưng thực tế các em đang học tập tức là đang chuẩn để cho kỳ thi THPT Quốc gia. Với phương án 2 sẽ thuận tiện, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn đối với thí sinh.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 có sự cải tiến nhỏ như phương án 2 sẽ góp phần khắc phục được tình trạng học tủ, học lệch để tiến tới đề thi tích hợp một cách khoa học, chính xác hơn. Các trường ĐH cũng thuận tiện hơn khi chọn lựa thí sinh vào trường.
NGƯT. TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc cũng đồng ý với phương án thứ 2 của Bộ GD-ĐT. Việc tuyển chọn của các trường ĐH có thể dựa vào điểm số của 1 môn trong số các môn thí sinh thi như: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cộng thêm 1 bài thi tổ hợp.
Việc tổ chức thi theo phương án 2 gồm mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần, sẽ giúp cho việc chấm thi dễ dàng hơn, không bị rời rạc như việc chấm bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần. Học sinh làm bài thi sẽ liền mạch hơn, không bị rời rạc, ngắt quãng, mất nhiều thời gian hơn khi phải làm từng môn thi trong bài thi tổ hợp và ngắt quãng như kỳ thi năm 2017.
Mặt khác, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong tuyển sinh nên chọn phương án nào thuận tiện, hiệu quả nhất là quyền của các trường. Ngoài ra, trường nào thuộc khối ngành Tự nhiên hay Xã hội đều có thể xét tuyển thêm các tiêu chí khác đi kèm theo.
Tuy nhiên, để các trường thuận lợi, tập trung hơn trong thực hiện công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT không nên cho thí sinh đăng ký tràn lan nguyện vọng xét tuyển ĐH.
Nên để các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh
Là trường ĐH thuộc khối ngoài công lập, ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long lại nêu quan điểm trái ngược là kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 nên như phương án thi như năm 2017. Bởi hiện nay, Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ nên phương án thi như thế nào không quan trọng bằng việc các trường tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Góp vào phương án thi THPT Quốc gia năm 2018, PGS Văn Như Cương cho rằng, kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 cao "ngất ngưởng" càng chứng tỏ không cần tổ chức một kỳ thi "2 trong 1" như kỳ thi THPT Quốc gia.
Theo PGS Văn Như Cương, đã đến lúc Bộ GD-ĐT giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, đề thi có thể do Bộ cung cấp.
Nếu cứ tổ chức thi như hiện nay thì các trường ĐH top trên sẽ không dễ dàng chọn lựa đúng thí sinh mà phải đưa ra các tiêu chí phụ. Các trường cần có quyền tự chủ trong tuyển sinh để chọn người xứng đáng và đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Trong khi tiêu chí "đầu ra" các trường khác nhau nhưng "đầu vào" thí sinh lại cùng làm đề giống nhau là bất hợp lý. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên để các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh theo mục tiêu đào tạo, bảo đảm chất lượng "đầu vào", đỡ gây mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!