Thời gian gần đây, câu chuyện thử thách lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh trong cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 của tác giả Phan Quốc Việt đã tạo nên luồng ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh và các em học sinh càng cảm thấy hoang mang hơn khi đứng trước "ma trận" sách tham khảo.
Theo khảo sát của phóng viên VTV News, số lượng sách tham khảo được bày bán ở các nhà sách, cửa hàng hay siêu thị lớn, nhỏ còn lớn hơn gấp nhiều lần so với sách giáo khoa. Ngoài các đầu sách của một số NXB uy tín còn nổi lên nhiều NXB không tên tuổi khác khiến độc giả như lạc vào mê cung.
Tuy sách tham khảo có tên gọi khác nhau như Học tốt tiếng Việt, Hướng dẫn học tốt tiếng Việt, Giải bài tập tiếng Việt... nhưng nội dung lại sao chép và không có nhiều khác biệt. Vì thế, mặc dù chất lượng đầu sách lớn nhưng chất lượng sách lại đang trở thành mối lo ngại của nhiều bậc phụ huynh.
Tên riêng không được viết hoa
Trong cuốn sách Bé học vần dành cho học sinh mẫu giáo lớn của tác giả Lê Tuệ Minh - Lê Thu Ngọc, hầu như những từ chỉ tên riêng đều không viết hoa chữ cái đầu. Nhiều phụ huynh khi mua về cho con cũng không khỏi băn khoăn, không biết giải thích thế nào cho câu hỏi của con mình: "Tại sao tên người, tên địa danh lại không phải viết hoa ạ?".
Ngoài tên người, các tên địa danh như bãi biển Đồ Sơn cũng không được viết hoa. Thay vì viết "Nghỉ hè mẹ cho Lan đi chơi ở Đồ Sơn", tác giả lại viết "Nghỉ hè mẹ cho lan đi chơi ở đồ sơn". Điều đó khiến trẻ có thể nhầm lẫn "lan" và "đồ sơn" mang nghĩa khác.
"Giùm" hay "dùm"?
Giữa hai từ "giùm" hay "dùm", từ nào đúng chính tả cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Trong cuốn Vở thực hành luyện viết Tiếng Việt cho học sinh lớp 3, có hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu như sau: "Mình về nhớ bác đường xuôi/ Thưa dùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người". Mặc dù đúng chính tả phải là từ "giùm", nghĩa là giúp ai làm một điều gì đó nhưng ngược lại, tác giả lại thay bằng từ "dùm".
Trên thực tế, tình trạng này không phải mới xảy ra. Cách đây không lâu, những lỗi sai chính tả một cách ngớ ngẩn cũng xuất hiện trong nhiều sách tham khảo cho học sinh tiểu học. Chẳng hạn, cuốn Vở luyện tập tiếng Việt lớp 1 của NXB Đà Nẵng có những từ sai như "dỗ tổ", "cây lêu" hay từ "thước đo" được viết thành "thướt đo" trong Vở ô ly có viết chữ mẫu lớp 1 của NXB Mỹ Thuật...
Trong cuốn Bài tập thực hành tiếng Việt 2 của tác giả Nguyễn Hải Mi – Trần Thị Hồng Thắm (NXB ĐH Sư phạm) cũng mắc lỗi sai về từ. Người biên soạn đã dùng sai từ “năng nỉ”, trong khi đáng lẽ phải là “năn nỉ”. Liệu lỗi phần lớn là do tác giả hay xuất phát từ khâu kiểm duyệt?
Bài học khó hiểu về tinh thần đồng đội
Ngoài lỗi sai chính tả, nhiều phụ huynh còn cảm thấy rất khó hiểu với một số câu chuyện được in trong sách tham khảo, điển hình là câu chuyện Thiên đường, địa ngục được in trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 3.
Chị Nguyễn Oanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Đọc xong câu chuyện, tôi không hiểu ý của tác giả muốn nói về vấn đề gì. Nếu nói về tinh thần đồng đội thì không rõ ràng vì trong câu chuyện, không thấy nhắc đến sức mạnh của đồng đội đã thể hiện như thế nào. Ngay bản thân người lớn còn khó hiểu huống chi là một học sinh lớp 3".
Trước sự đa dạng về số lượng nhưng kém về chất lượng của các loại sách tham khảo, phụ huynh trở nên lo lắng vì khó có sự lựa chọn đúng đắn cho con cái. Do đó, nhiều phụ huynh cố gắng tìm chọn những cuốn sách có nội dung dễ hiểu, đọc kỹ phần giới thiệu và mục lục, mua những cuốn sách có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sách của NXB có uy tín và lâu năm.
Ngoài ra, phụ huynh cũng chỉ nên mua những đầu sách thực sự cần thiết, có thể lắng nghe ý kiến tư vấn của các thầy cô giáo có kinh nghiệm trong trường học bởi với số đầu sách lớn như hiện nay, trẻ không thể tiếp thu được hết lượng kiến thức trong đó, đồng thời dễ cảm thấy nhàm chán với nội dung khó hiểu hay tương tự nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!