Những năm trước, việc học đối với trẻ dưới 5 tuổi là con em người đồng bào dân tộc ít người ở miền núi Quảng Ngãi là điều còn rất lạ. Do không đến trường, nên các thủ tục hành chính liên quan đến các em như khai sinh, hộ khẩu thường không được cha mẹ đăng ký. Thậm chí có em vào lớp 1 nhưng vẫn chưa được làm khai sinh.
Nguyên nhân, một phần do nhận thức của bà con còn hạn chế. Một phần họ ngại tiếp xúc với các cơ quan công quyền. Lúc này, để tạo điều kiện học tập cho trẻ, giáo viên là người thay gia đình đi làm hết các thủ tục này. Thế nhưng, từ năm 2010 khi chương trình phổ cập giáo dục mầm non ra đời với chính sách phụ cấp 120.000 đồng/trẻ/tháng đã tác động mạnh đến nhận thức của bà con người đồng bào nơi đây.
Chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là phù hợp và cần thiết. Bởi trong thực tế, ngành giáo dục ở những địa bàn này từng chứng kiến nhiều trẻ sau 10 năm học Phổ thông Dân tộc nội trú vẫn chưa quen tiếng Kinh, vì ngay từ đầu các em chưa được chuẩn bị một vốn ngôn ngữ tốt.
Ở miền núi Quảng Ngãi, con số 100% trẻ dưới 5 tuổi được đến trường có thể chưa đạt, nhưng với sĩ số trẻ đến lớp ngày một tăng, các điểm trường lẻ ngày càng được mở rộng đã cho thấy những tín hiệu vui.
Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Giáo viên mầm non và tiểu học có thực hiện một hội đồng hai nhiệm vụ là giáo dục và tuyên truyền cho phụ huynh. Chính yếu tố tuyên truyền tạo ra bước khởi sắc ban đầu về nhận thức của phụ huynh trong việc đưa con em đến trường”.
Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010 – 2015 đã vào năm cuối, thế nhưng chưa bao giờ trong một thời gian ngắn, mạng lưới quy mô trường lớp mầm non ở địa bàn miền núi lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhận thức người dân cũng khác xưa. Đây là những điều kiện vững chắc để chương trình phổ cập mầm non ở địa bàn miền núi đạt kết quả tốt