Ôn tập môn Toán giai đoạn nước rút: Không nên "nhồi nhét" kiến thức

Minh Đức-Thứ hai, ngày 22/05/2017 06:01 GMT+7

VTV.vn - Theo thầy Tiến Minh - Chinh phục kỳ thi, các thí sinh không nên cố nhồi nhét kiến thức mới, nên tập trung ôn các kiến thức đã học và làm đề để rèn luyện kỹ năng.

Tiếp tục đồng hành cùng Chinh phục kỳ thi THPT mùa thứ 2, thầy giáo Lại Tiến Minh – giảng viên môn Toán học đã trở lại với các em học sinh trên mọi miền đất nước bằng những bài giảng chuyên sâu, hữu ích. 

Bằng lối giảng dạy năng động, sôi nổi, nhiệt huyết, thầy giáo trẻ Lại Tiến Minh đã chiếm trọn cảm tình và sự yêu quý của các em học sinh qua những số phát sóng của chương trình trên kênh VTV7. Cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị và những lời khuyên, bí quyết ôn thi của thầy giáo dành cho các sĩ tử trước ngày vượt vũ môn.

- Năm nay là năm thứ 2 thầy đồng hành cùng Chinh phục kỳ thi. Thầy có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi tiếp tục tham gia chương trình không?

Năm nay, tôi tiếp tục cộng tác với Chinh phục kỳ thi của VTV7. Tôi cảm thấy vừa hào hứng lại vừa có chút lo lắng cho các bạn học sinh năm nay. Hào hứng vì tiếp tục được đồng hành cùng các em trong quá trình ôn thi "nước rút", lo lắng vì năm nay kỳ thi có khá nhiều thay đổi, tôi cũng đã được lắng nghe khá nhiều những băn khoăn, thắc mắc của các em. Trong Chinh phục kỳ thi VTV7, tôi cùng các thầy cô khác sẽ cố gắng hết sức, như những người bạn, đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục kì thi này, đúng như tên gọi của chương trình.

Sau Chinh phục kỳ thi 2016, tôi rất vui khi nhận được nhiều tình cảm của các em trên cả nước, rất nhiều lời tâm sự khiến tôi cảm động.

- Năm nay, đề thi có nhiều thay đổi, Bộ Giáo dục cũng đã đưa ra đề thi minh họa. Thầy nhận xét thế nào về đề thi minh họa năm nay về cấu trúc, độ khó, trọng tâm của đề?

- Bộ đã đưa ra nhiều đề thi mẫu, bộ đề thi gần đây nhất có thể xem là thể hiện rõ nét, sát thực với tinh thần của kỳ thi sắp tới. Cấu trúc đề thi theo mức độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng và vận dụng cao giúp phân loại được thí sinh khá tốt. Theo tôi, đề vẫn được giới hạn trong chương trình lớp 12 nên cũng không quá "đánh đố" thí sinh, đề không quá khó nhưng để đạt điểm giỏi cũng không dễ dàng khi một số câu yêu cầu khả năng tư duy và vận dụng, thay vì cách làm máy móc và học thuộc lòng.

Về đề thi minh họa môn Toán được công bố ngày 14/5, so với 2 đề thi trước đó thì đề này hạn chế việc sử dụng máy tính, phân loại tốt hơn đối tượng học sinh khá giỏi. Theo quan điểm cá nhân, đề minh họa đã giúp được học sinh và giáo viên định hướng tốt hơn trong việc ôn thi nước rút nhưng vì đề thi dùng để xét tốt nghiệp và đại học nên cần có nhiều hơn những câu đơn giản để thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp.

- Sự thay đổi trong việc ra đề thi có khiến chương trình giảng dạy, ôn thi thay đổi nhiều so với năm trước không?

- Thay đổi từ Tự luận sang Trắc nghiệm dẫn đến nhiều sự thay đổi trong cách dạy và học. Giáo viên phải giúp học sinh tiếp cận được kiến thức, kỹ năng và cách giải các bài trắc nghiệm nhanh gọn, chính xác. Phải thay đổi phương pháp dạy, đặc biệt hệ thống bài tập, bài giảng chuẩn bị cho học sinh, đề thi, bài kiểm tra cũng gần như là thay đổi hoàn toàn.

Tính tư duy sáng tạo đặt lên hàng đầu, hơn nữa hệ thống kiến thức Toán khá rộng, nhiều phần khó đòi hỏi phải đầu tư thời gian nhiều để học và giải các dạng bài tập nên cũng là thách thức đối với các em. Nhưng tôi vẫn cố gắng giúp đỡ, hướng dẫn các em: Học hiểu bản chất để tự tin xử lý bất cứ dạng bài, câu hỏi nào.

Ôn tập môn Toán giai đoạn nước rút: Không nên nhồi nhét kiến thức - Ảnh 1.

Bằng lối giảng dạy năng động, sôi nổi, nhiệt huyết, thầy giáo trẻ Lại Tiến Minh đã chiếm trọn cảm tình và sự yêu quý của các em học sinh qua những số phát sóng của chương trình trên kênh VTV7.

- Chỉ một thời gian ngắn nữa, các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi lớn nhất cuộc đời, thầy có thể chia sẻ tới các bạn một số bí quyết, những lưu ý khi ôn luyện môn Toán trong thời gian này được không ạ?

Quả thực thời gian còn lại không còn nhiều,hơn một tháng nữa các em sẽ bước vào kỳ thi lớn nhất cuộc đời. Trong giai đoạn này, các em không nên "nhồi nhét" kiến thức mới, nên tập trung ôn lại kiến thức đã học, làm lại các dạng bài trong các đề theo độ khó tăng dần, dành nhiều thời gian để luyện đề để rèn luyện thêm kĩ năng và chuẩn bị tâm lý, tâm thế cho bài thi chính thức. Thông qua việc luyện đề nhiều sẽ giúp cho chúng ta có thể luyện trình bày, luyện phản xạ, tư duy nhanh và kiểm tra xem phần nào mình còn yếu, phần kiến thức nào cần bổ sung.

- Là thầy giáo với độ tuổi còn rất trẻ và gần gũi với các em học sinh, hiểu được tâm lý của các em, thầy có lời khuyên gì với các em học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng trong tương lai?

Các em nên chuẩn bị tâm lý thật thoải mái, đừng quá áp lực việc đỗ đại học vì mỗi người đều có một khả năng riêng. Không chọn nghề theo phong trào hay sự sắp đặt của một yếu tố bên ngoài. Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc. Chọn nghề theo khả năng bản thân, tự mình trả lời những câu hỏi định hướng : đam mê của mình, có khả năng theo đuổi đam mê không, cố gắng hết mình với sự lựa chọn,…

- Xin cảm ơn thầy đã chia sẻ!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước