Nhà vô địch giải tranh biện Hà Nội năm 2016.
Early Decision (ED) là đợt nộp đơn sớm, ứng viên chỉ được gửi hồ sơ đến một trường đại học duy nhất. Vòng nộp hồ sơ sớm có ràng buộc và phải cam kết nhập học nếu được trường nhận và đáp ứng các điều kiện tài chính.
Mới đây, Nguyễn Minh Hà (sinh năm 2001, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) vui mừng nhận được thư báo trúng tuyển và mời nhập học từ trường Đại học Dartmouth – ngôi trường nằm trong nhóm Đại học Ivy League xuất chúng tại Mỹ.
"Em cảm thấy thực sự bất ngờ khi nhận được thư báo đỗ từ trường vì đây là một trường rất cạnh tranh với tỉ lệ chấp nhận học sinh thấp nên em không dám nghĩ rằng mình sẽ đỗ", Minh Hà chia sẻ.
Nhen nhóm giấc mơ du học Mỹ, Minh Hà đã thích ngôi trường này ngay từ lần đầu tiên tìm hiểu qua mạng. Minh Hà nhận được học bổng khoảng 258.000 USD (gần 6 tỷ đồng) cho 4 năm học.
Ngay từ những ngày đầu học cấp 2, nữ sinh Hà thành đã có mơ ước đi du học nhưng phải đến khi vào cấp 3 em mới thực sự bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học.
Minh Hà từng đạt giải Nhì cấp thành phố môn Tiếng Anh năm lớp 9, Giải Nhì HSG thành phố môn Tiếng Anh năm lớp 11,12. Em đạt điểm 1540 SAT 1, 800 SAT 2 Toán, 780 SAT 2 Hóa.
Vừa hoàn thành tốt việc học trên lớp và các kỳ thi chuẩn hóa, nữ sinh Ams năng động tham gia khá nhiều hoạt động về tranh biện (debate) bởi đây là đam mê và sở trường của em.
Nữ sinh 10X giữ vị trí Phó ban Chuyên môn CLB Tranh biện Puzzles Ams, Trưởng ban Tổ chức giải Tranh biện Hà Nội (Hanoi Debate Tournament 2018), Huấn luyện viên tại Trại hè tranh biện trường Chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa.
Ở các giải tranh biện, mỗi đội được giao một kiến nghị và phải bảo vệ quan điểm của mình (ủng hộ/phản đối). Sự tự tin, điềm tĩnh và khả năng phân tích, thuyết phục sâu sắc giúp Minh Hà giành nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi tranh biện toàn quốc và thành phố. Em là Á quân giải Vô địch Tranh biện Việt Nam (Vietnam Schools Debating Championship 2017) và Quán quân giải Tranh biện Hà Nội (Hanoi Debate Tournament 2016).
Dần trưởng thành từ chính hoạt động ngoại khóa này, Hà tâm sự: "Tham gia vào CLB tranh biện của trường Ams hay những cuộc thi giúp em trau dồi được tư duy phản biện (critical thinking) tốt hơn và cũng giúp em có một góc nhìn rộng mở hơn về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như giáo dục, văn hóa, chính trị... Đã có rất nhiều lần, em phải bảo vệ quan điểm trái ngược với suy nghĩ của em, nhưng chính những trận đấu như vậy khiến em có cái nhìn khách quan hơn về những vấn đề xã hội".
Nữ sinh Ams đã đưa sở thích này vào bài luận "Tại sao lại chọn trường?" gửi đến ĐH Dartmouth. Em giải thích rằng chương trình học tranh biện ở bên đó khác với những gì em đang được học và em sẽ hoàn thiện những kĩ năng của mình hơn nếu em kết hợp cả 2 chương trình với nhau.
Quan tâm đến các hoạt động vì cộng đồng, hè năm 2018, Minh Hà đã sáng lập một tổ chức mang tên "Hub Bright Organization" hướng đến người dân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam ở Việt Nam.
Em đã đi đến các trung tâm chăm sóc và điều dưỡng người có công với cách mạng và trao những suất quà cùng những lá thư của các bạn trẻ gửi tới cho các thương binh nặng ở đó. Em cũng mời hai cô giáo dạy yoga và dinh dưỡng học đến giảng dạy cho các thương bệnh binh những bài tập cơ bản và chế độ dinh dưỡng khoa học để giữ gìn sức khỏe.
Trước khi ra về, Minh Hà phỏng vấn các cựu chiến binh, trò chuyện cùng các ông, các bà để hiểu thêm về 1 trong 2 cuộc kháng chiến lớn nhất của nhân dân ta. Từ những tư liệu có được, Hà mạnh dạn mở triển lãm "Thư viện chiến tranh" nhằm chia sẻ những câu chuyện có thực về thời chiến. Những cuộc nói chuyện như vậy đã giúp em truyền tải thông điệp tới hội đồng tuyển sinh tốt hơn qua bài luận chính.
Theo Minh Hà, thế mạnh của em là xác định được khá rõ ràng ngành mình theo đuổi và em có cơ hội thể hiện được sự hứng thú của em với trường trong từng bài luận em nộp cho trường. Và nữ sinh Việt tiết lộ, em nghĩ bài luận chính là yếu tố quyết định trong bộ hồ sơ của mình.
"Vì những sự kiện được em nhắc tới trong bài luận là việc thật nên em có thể tái hiện lại cảm xúc thực của bản thân. Từng biến chuyển của cảm xúc: nỗi buồn, niềm vui hay sự lo lắng đều được em mô tả rất kĩ trong bài luận của mình. Em nghĩ điều đó đã thuyết phục được hội đồng tuyển sinh nhận mình vào trường", Hà chia sẻ.
Trong bài luận chính (650 từ), cô gái viết về chủ đề chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Ông ngoại em đã từng là bộ đội nên hồi bé mỗi khi em về quê em được ông kể cho em nghe rất nhiều câu chuyện về thời đi lính. Tuy nhiên, ông chỉ kể cho em những chiến thắng lừng lẫy của binh đoàn ông tham gia nên trong suy nghĩ non nớt lúc bấy giờ của Hà, em hiểu rằng chiến tranh là chiến thắng hoàn toàn cho Việt Nam và em luôn giữ trong mình suy nghĩ ấy cho đến mãi về sau.
"Có những sự kiện xảy ra với em như việc ông em phải đi cấp cứu trong bệnh viện vì lên cơn sốt rét rừng (một căn bệnh phổ biến trong bộ đội vì phải sống và chiến đấu trong rừng rậm), hay kỉ niệm lần đầu tiên em được đi từ thiện tới trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc màu da cam.
Lúc ấy, em mới thực sự hiểu ra chiến tranh không phải một chiến thắng tuyệt đối, mà để đạt được hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta đã phải hi sinh rất nhiều: những di chứng của chiến tranh 50 năm về trước vẫn còn không ít xung quanh chúng ta.
Suy nghĩ của em về chiến tranh đã thay đổi và em nhận ra rằng sự việc nào cũng có hai mặt, bản thân cần suy xét nó trên nhiều khía cạnh để có cái nhìn đúng đắn và đa chiều nhất", Hà kể lại.
Đã giành tấm vé đến ngôi trường mơ ước, Minh Hà vẫn không quên những ngày tháng "nếm mật nằm gai" hoàn thiện hồ sơ. Khâu lên ý tưởng và viết bài luận cũng chính là thử thách lớn nhất với Minh Hà. Những lúc bí ý tưởng, Hà thường bình tĩnh lại, không hoảng loạn mà tập trung suy nghĩ về những điều đã xảy ra trong cuộc sống của em, kể cả những thứ nhỏ nhặt, đời thường nhất.
Hà cho hay: "Em cố gắng suy ngẫm về sự kiện đó, nhớ lại những cảm xúc lúc ấy và tự đặt câu hỏi cho bản thân như "mình đã thay đổi như thế nào kể từ sau sự kiện đó?" hay "mình đã học được gì từ sự kiện đó?".
Trước mắt, cô gái Việt dự định sẽ theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế (International Relations) ở Dartmouth. Sau khi tốt nghiệp, em có thể sẽ theo đuổi bậc cao học, hoặc tham gia vào những tổ chức phi chính phủ để có cơ hội được đi học tập kinh nghiệm, làm nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới.
Minh Hà mong rằng với những kiến thức và kĩ năng em tích lũy được trong 4 năm đại học, em có thể quay trở lại giúp đỡ cộng đồng, chẳng hạn như giúp người dân ở những vùng cao hòa nhập với xu thế toàn cầu hóa của xã hội, giúp họ không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!