Nỗi lòng... nghề giáo

VTV Digital-Thứ hai, ngày 21/08/2023 12:33 GMT+7

VTV.vn -Với các giáo viên, trước những thử thách lớn về công việc và cuộc sống, không ít người vẫn chưa thể sống tốt từ nghề giáo, gạt nước mắt để bươn chải mưu sinh với nghề khác.

Đằng sau lá đơn giáo viên xin nghỉ việc

"Giới hạn của số lượng, chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo, là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục" - Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên vẫn chưa thể sống tốt từ nghề giáo. Không ít người phải bươn chải với nhiều nghề khác, hoặc có người phải gạt đi nước mắt dừng công việc trên bục giảng sau nhiều năm gắn bó.

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 1.

"Khi mình viết đơn này, bao nhiêu cảm xúc đi học sư phạm, rồi kiến tập thực tập bắt đầu được gặp học sinh. 14 năm gắn bó đấy. Rồi sau khi có gia đình con cái, áp lực cuộc sống, áp lực về kinh tế nhiều hơn hẳn, bắt buộc mình bươn ra ngoài để làm thêm. Rồi sự sắp xếp thời gian đi trường và thời gian bên ngoài mình không thể cân đối được, bắt buộc mình phải lựa chọn…" - cô giáo Trịnh Thị Kim Tuyền, trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chia sẻ - "Không dám nghĩ đến buổi hôm đó là lần cuối cùng mình đứng trên bục giảng, đứng trước học sinh. Mình phải kìm cảm xúc đó lại".

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 2.
Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 3.

Rồi đến lúc cô Tuyền cũng phải gạt đi cảm xúc, quay trở lại với cuộc sống cơm áo gạo tiền. 7 năm qua, quán bún đậu mắm tôm là nghề tay trái đã nuôi luôn nghề tay phải của cô là nghề giáo. Công việc này đã cho thu nhập gấp nhiều lần lương giáo viên cấp hai.

"Lương mình 14 năm là 6,6 triệu, không thể đủ để nuôi 1 bé 2 tuổi và 1 bé lớp 6. Làm ở cửa hàng, mình có điều kiện để lo cho gia đình, không chỉ các con, bây giờ bố mẹ cũng già rồi" - cô Tuyền cho biết.

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 4.

Cô Tuyềngác niềm đam mê với nghiệp cầm phấn, khoác lên mình chiếc tạp dề mưu sinh.

Nhiều giáo viên chưa thể sống được bằng nghề, cũng khó chuyên tâm vào việc dạy tốt, rồi buộc họ phải lựa chọn: Phải tạm gác niềm đam mê với nghiệp cầm phấn, khoác lên mình chiếc tạp dề mưu sinh như cô Tuyền.

Câu chuyện của cô Tuyền có thể chúng ta sẽ bắt gặp đâu đó ở nhiều nơi khác trong cả nước. Như thầy giáo bỏ nghề đi xuất khẩu lao động, cô giáo mầm non dừng việc dạy học đi bán hàng online… Trong 3 năm qua, hơn 40.000 giáo viên quyết định nghỉ việc. Trước những tâm tư của hàng trăm nghìn giáo viên, tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục trước thềm năm học mới, trong đó nhấn mạnh về việc sớm xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên.

Thực tế, dù đã tuyển mới được hơn 17.000 người, nhưng đến nay cả nước vẫn thiếu 118.000 giáo viên, chủ yếu ở mầm non. Số lượng thiếu này tăng thêm hơn 11.000 người so với năm ngoái. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, ngành mới được giao chỉ tiêu hơn 26.000 biên chế. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và giáo viên được tuyển dụng cho thấy đang có sự chênh lệch rất lớn.

Thanh Hóa: Thiếu giáo viên nhưng "tắc" nguồn tuyển

Thời điểm năm học mới cận kề, ngành giáo dục vẫn đau đầu với bài toán không tuyển đủ giáo viên, cơ cấu đội ngũ mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học. Thanh Hóa đang là một trong 2 địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước, với số lượng hơn 10.000 giáo viên cần bổ sung ở mọi cấp học.

Theo quy định ở bậc tiểu học, khi giảng dạy 2 buổi/ ngày cần được bố trí 1,5 giáo viên trên 1 lớp. Thế nhưng, tại ngôi trường này để đáp ứng được con số đó dường như bất khả thi.

Thầy giáo Lê Ngọc Chế - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tổng số giáo viên trên lớp cần là 30 giáo viên mà hiện nay chỉ có mới 18 thôi. Chính vì thế, số lượng học sinh mỗi lớp phải co lại. Thậm chí tuyển hợp đồng cả các giáo viên mới tốt nghiệp ra sẽ dạy THPT, THCS vẫn phải tuyển hợp đồng để dạy tiểu học".

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 5.

Thầy giáo Lê Ngọc Chế - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Thạch

Càng tuyển lại càng thiếu, bởi lẽ với mức lương dưới 3 triệu đồng một tháng cho giáo viên hợp đồng, không nhiều người mặn mà. Để lấp đầy khoảng trống, nhiều giáo viên phải gánh thêm gấp đôi số tiết trên lớp.

Giáo viên Tạ Thị Thơ - trường THCS Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Mình phải đứng lớp cả môn Địa lí nữa trong khi chuyên môn chính của mình là dạy Lịch sử. Mình phải dạy lên số tiết là 28 tiết trên 1 tuần".

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 6.

Giáo viên Tạ Thị Thơ - trường THCS Quảng Nham

Trước thềm năm học mới, địa phương này đã xin bổ sung biên chế hơn 16.000 giáo viên. Đáng nói là con số này tương đương với chỉ tiêu tuyển dụng của cả nước đạt được trong năm học vừa qua. Năm học 2022-2023 cả nước tuyển dụng 17.000 giáo viên.

Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Biện pháp tạm thời trước mắt là dạy liên trường. Đối với ngành giáo dục, chúng tôi đang đề xuất không nên tinh giản biên chế. Cùng với các môn học mới và những quy định nâng cao chất lượng, dân số tăng thì việc thiếu giáo viên chỉ càng thiếu nhiều hơn".

Tạo cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục

Hiện nay, các địa phương đều phải thực hiện nghị quyết tinh giản biên chế. Trong khi đó, biên chế của ngành giáo dục là lớn nhất, chiếm tới 70% số lượng công chức, viên chức cả nước. Nghĩ tới cắt giảm, biên chế giáo viên là nằm ở đầu danh sách, trong khi thiếu nguồn tuyển đáp ứng chương trình mới lại đang làm đau đầu các địa phương.

Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Từ năm 2015, thực hiện nghị quyết 39 về tinh giảm biên chế, mỗi một năm giảm 2%. Việc thiếu đó càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Mặc dù Trung ương cũng có giao bổ sung nhưng cũng không bảo đảm được so với thực tế biến động tăng dân số cơ học của Thanh Hóa".

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 7.

Hiện nay, biên chế giáo viên của toàn tỉnh Thanh Hóa chiếm gần 90% biên chế được giao. Do vậy, việc cắt giảm thường phải đến từ biên chế giáo dục, dẫn đến tình trạng chưa tuyển đã thiếu.

Còn hơn 10 ngày nữa là bước vào năm học mới, nhiều lớp học đã phải tạm thời đóng cửa vì chẳng còn đủ người thầy đứng trên bục giảng.

Cô giáo "cầm bút bằng chân" được tuyển dụng đặc cách

Chúng ta cần phải tháo gỡ những khó khăn cả từ cơ chế lẫn con người. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chắc chắn không thể tránh được những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nên rất cần sự chung tay giữa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để có một năm học mới thành công. Nỗ lực, ý chí sẽ mở ra con đường. Giống như cách mà cô giáo khuyết tật Lê Thị Thắm ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn kiên trì theo đuổi ước mơ được đứng trên bục giảng. Và cô đã thành công. Câu chuyện của cô Thắm cho thấy một thực tế, không có gì khó, cái khó nằm ở sự quyết tâm làm hay không mà thôi.

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 8.

Mặc dù thân hình khiếm khuyết và nhỏ bé, nhưng ước mơ và quyết tâm của cô gái này luôn mãnh liệt. Cô Thắm không đầu hàng mà quyết định thay đổi số phận của mình.

"Mình nghĩ rằng mình phải khẳng định cho mọi người thấy dù mình không có đôi tay nhưng vẫn có thể làm được những điều giống như mọi người bình thường. Mình đã quyết tâm học ngành Sư phạm và mơ ước sau này trở thành giáo viên tiếng Anh" - cô Thắm bộc bạch.

Để được sống, học tập như bao người khác, Thắm đã tôi luyện đôi chân của chính mình. Ước mơ của cô gái trẻ dường như đã được thực hiện một nửa, khi lớp học tiếng Anh miễn phí do cô tổ chức được nhiều học sinh trong xã đón nhận.

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Tình  - Mẹ cô giáo Lê Thị Thắm cho biết: "Nhiều hôm em cứ than rằng em muốn chết đi không muốn sống nữa. Sinh ra đã yếu ớt rồi mà vẫn phải chịu nhiều bệnh tật. Nhưng mà dù có ốm yếu thế nào, mẹ vẫn sẽ mang con đi. Còn mẹ thì con phải có hy vọng. Còn mẹ là còn tất cả".

Tháng 9 tới, cô Thắm sẽ được đứng trên bục giảng, dạy cho các em nhỏ tiểu học, với tư cách là giáo viên bộ môn tiếng Anh. Cô Thắm đã được đặc cách vào chính ngôi trường mà cô đã theo học.

Ông Phạm Văn Dũng  - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Cô Thắm được đặc cách vào biên chế của ngành Giáo dục cũng vừa khắc phục được tình trạng đang thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đây là tấm gương có sự ảnh hưởng và truyền lửa đến thế trẻ và đặc biệt là đội ngũ nhà giáo".

Nỗi lòng... nghề giáo - Ảnh 10.

Tháng 9 tới, cô Thắm sẽ được đứng trên bục giảng, dạy cho các em nhỏ tiểu học, với tư cách là giáo viên bộ môn tiếng Anh.

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Quốc gia có nhiều người hiền tài thì nguyên khí mới thịnh vượng. Muốn có được lớp người đó, một phần rất lớn là nhờ vào những người thầy người cô, đã bỏ tâm sức nhiệt huyết dìu dắt thế hệ học sinh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã nhấn mạnh "thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới". Hiện giờ chúng ta đang muốn thay đổi thế giới thì điều trước tiên là phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc. Khi thực sự mong muốn tạo nên những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ quyết tâm tìm nhiều cách để thực hiện nó.

Năm học mới sắp bắt đầu, kính chúc tất cả thầy cô giáo luôn giữ nhiệt huyết và cái tâm với nghề giáo, để tiếp tục hành trình truyền đam mê "con chữ" tới các học sinh trên cả nước.

Góc nhìn văn hoá: Ân - Uy trong nghề giáo Góc nhìn văn hoá: Ân - Uy trong nghề giáo Nghề giáo được hứa hẹn trả lương cao nhất ở 'đất nước hạnh phúc' Nghề giáo được hứa hẹn trả lương cao nhất ở "đất nước hạnh phúc" Mùng 3 Tết thầy: Chuyện về nghề giáo thời nay Mùng 3 Tết thầy: Chuyện về nghề giáo thời nay

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước