Nỗi khổ hoạt động ngoại khóa trong trường học

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/10/2023 06:12 GMT+7

VTV.vn - Hơn ở đâu hết, trường học là nơi phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng và bình đẳng.

Nở rộ các chương trình liên kết dạy học trong nhà trường, từ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống đến trải nghiệm… Đáng lo ngại hơn, ở nhiều nơi đã có các biểu hiện sai phạm như chèn hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa vào giờ học chính khóa, lạm thu, ép học sinh học nội dung ngoài chính khóa… Thực trạng này cho thấy còn nhiều khoảng trống trong công tác quản lý hoạt động liên kết giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Thời gian qua, thực hiện chích sách xã hội hóa giáo dục, nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục kĩ năng sống; liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường... theo nhu cầu người học. Các hoạt động giáo dục này là để giúp cho người học hình thành và phát triển những thói quen, hành vi, thái độ tích cực, lành mạnh trong việc ứng xử các tình huống của cuộc sống cá nhân và tham gia đời sống xã hội, qua đó hoàn thiện nhân cách và định hướng phát triển bản thân tốt hơn dựa trên nền tảng các giá trị sống.

Mục tiêu tốt đẹp như vậy, nên các hoạt động này được triển khai ở các cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến các cơ sở giáo dục thường xuyên và được cho là sẽ góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn nhiều hạn chế, dẫn đến băn khoăn, lo lắng và cả bức xúc của nhiều phụ huynh về các hoạt động này.

Con chỉ vừa vào lớp 1 được vài tuần, có phụ huynhnhận được phiếu đăng ký các môn học tự chọn, kèm chi tiết giá tiền của từng môn một. Để chờ con thích nghi với môi trường mới, chị quyết định chỉ đăng ký cho bé học bơi. Tuy nhiên đích thân giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện để "khuyến khích" gia đình cho bé học các môn còn lại với lý do "Cả lớp có 32 bạn thì có đến 26 bạn đã đăng ký rồi". Những trường hợp như vậy hiện khá phổ biến.

Hiện nay, các Sở GD&ĐT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã yêu cầu các trường không được xếp lịch các hoạt động tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp có học sinh không đăng ký tham gia. Các hoạt động giáo dục tăng cường không được gây quá tải. Các trường tư vấn để mỗi học sinh chỉ nên đăng ký tối đa 2 hoạt động ngoại khóa.

Đối với hoạt động trải nghiệm, hiện một số nơi cũng đã yêu cầu các trường không được tổ chức đi ra khỏi địa bàn tỉnh, thành phố để tránh gây tốn kém cho phụ huynh.

Trước nhiều sai phạm xảy ra trong hoạt động liên kết dạy học tại các trường, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương có thống kê, báo cáo cụ thể về các chương trình ngoài chính khóa. Nhiều sở giáo dục đào tạo cũng có động thái chấn chỉnh, thậm chí là tạm dừng hoạt động này.

- Nghệ An là địa phương đầu tiên quyết định tạm dừng hoạt động liên kết với các trung tâm để đào tạo kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường, cơ sở giáo dục để rà soát lại các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Sau khi rà soát, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

- Từ đầu tháng 10, tại Hà Nội, các trường học của huyện Thanh Trì, Sóc Sơn đồng loạt tạm dừng, dạy liên kết, sắp xếp lại thời khóa biểu.

- Sở GD&ĐT Đà Nẵng mới đây cũng cho biết đang kiểm tra một số phòng giáo dục và đi thực tế các trường, trong đó có việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.

- Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành quy định về mức phí thu tối đa: 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Đối với dạy học làm quen tiếng Anh của trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, Sở quy định mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Có một nguyên tắc của việc dạy và học các chương trình ngoài giờ chính khóa, đó là phải dựa trên sự tự nguyện. Tức là những phụ huynh nào có nhu cầu cho con học thì đăng ký. Phụ huynh nào không có nhu cầu thì không tham gia, tránh gây tốn kém, mệt mỏi và cũng mất đi ý nghĩa của vốn có của hoặc động dạy và học này

Trên thực tế, từ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 04 quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Bộ cho biết hiện đang tổng hợp báo cáo của các địa phương để đánh giá đúng thực trạng, đồng thời sẽ rà soát Thông tư 04, nếu sau gần 10 năm triển khai có những nội dung không còn phù hợp sẽ bổ sung, sửa đổi. Hơn ở đâu hết, trường học là nơi phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng và bình đẳng. Cùng với tiếp nhận tri thức, thì những nguyên tắc này sẽ góp phần hình thành nên đạo đức, tư cách của mỗi học sinh. Vì thế, rất cần sự gương mẫu, trách nhiệm, nhân văn từ chính các thầy cô, cùng với một quy trình quản lý hiệu quả hơn từ các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo.

Nỗi khổ hoạt động ngoại khóa trong trường học - Ảnh 1.

Cùng trao đổi kỹ về vấn đề này với PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước