Chế tạo máy bay không người lái
Sau hai năm với vô số lần thất bại, chiếc máy bay không người lái (UAV) của các sinh viên Dương Văn Thiện, Phạm Văn Sáng, Phan Văn Nghiêm và Kiều Thanh Sơn (Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã bay lượn trên bầu trời ở độ cao 500m, bay xa khoảng 1km và thu các tín hiệu về máy tính.
Sản phẩm này đã giành nhiều giải thưởng như giải nhất cuộc thi Robocon techshow 2014 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, giải ba cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014, giải nhất Báo cáo nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường, giải nhất Triển lãm khoa học của giảng viên và sinh viên do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức năm 2014.
Mô hình máy bay không người lái của nhóm sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Chia sẻ về đề tài của mình, trưởng nhóm Dương Văn Thiện, cho biết, khi nghiên cứu, nhóm gặp rất nhiều khó khăn do đây là mô hình hoàn toàn mới với sinh viên. Nhóm thất bại vô số lần, máy bay cứ bay lên rồi lại rơi. Có lần sau khi cất cánh, máy bay quay tròn rồi mất hút, phải thuê người để đi tìm cả ngày trời mới thấy trên… ngọn cây. “Quá nhiều lần như thế nên chúng em phải ghi số điện thoại liên hệ lên thân máy bay, để lỡ có rơi, ai nhặt được có thể gọi điện để chúng em xin lại”, Thiện chia sẻ.
Cũng theo Thiện, khoản đầu tư cho mô hình máy bay khoảng 30 triệu đồng, một con số không hề nhỏ với sinh viên. Vì thế, nhóm cũng không dám cho máy bay bay quá xa vì nếu lỡ rơi xuống nước thì không thể cứu được phần mạch bên trong.
“Hiện máy bay có thể tự động bay theo quy trình thiết lập sẵn nhưng việc cất cánh và hạ cánh vẫn cần người điều khiển. Em hy vọng các sinh viên khóa tiếp theo có thể giúp máy bay hoàn thiện hơn”, trưởng nhóm Dương Văn Thiện nói.
Điều chế thủy tinh từ tro trấu
Biến tro trấu thành… thủy tinh lỏng là đề tài nghiên cứu của nhóm sinh viên Hồ Phước Điệp, Nguyễn Thị Lệ Giang và Trần Thị Liên, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Đề tài đã nhận giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường của Đại học Huế và giải ba Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ năm 2014.
Xuất phát từ một bài báo khoa học quốc tế với thông tin trong tro trấu có hàm lượng có chứa một lượng lớn SiO2, một chất quan trọng để tạo thủy tinh lỏng natri silicat (Na2O.nSiO2), nhóm sinh viên Đại học Huế đã miệt mài nghiên cứu trong một năm, dưới sự hướng dẫn của phó giáo sư Trần Ngọc Tuyền.
Điệp cho biết, thủy tinh lỏng là vật liệu sử dụng rất phổ biến trong thực tế để sản xuất sơn chống thấm, xà phòng, giày vải, que hàn, gốm sứ… Nhu cầu sử dụng ở nước ta là hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, việc điều chế thủy tinh lỏng hiện nay chủ yếu từ nung cát trắng ở nhiệt độ 1.300 độ C với quy trình và công nghệ sản xuất phức tạp.
“SiO2 trong tro trấu tồn tại ở dạng vô định hình, cấp hạt rất mịn, có hoạt tính rất cao, dễ dàng phản ứng với dung dịch NaOH ngay ở điều kiện nhiệt độ thường để tạo thành thủy tinh lỏng. Vì vậy, việc điều chế dung dịch thủy tinh lỏng từ phế thải tro trấu thuận lợi hơn rất nhiều so với từ cát trắng truyền thống, giá thành thủy tinh lỏng vì thế cũng thấp hơn. Việt Nam lại là nước nông nghiệp, chúng ta cũng có rất nhiều nhà máy dùng nguyên liệu trấu làm chất đốt nên nguồn tro trấu rất lớn”, Điệp chia sẻ.
Hồ Phước Điệp và bạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, do đây là đề tài nghiên cứu hoàn toàn mới nên để đi từ lý thuyết đến điều chế thành công trên thực tế, nhóm của Điệp đã phải vượt qua rất nhiều rào cản, từ việc tìm kiếm tài liệu đến thiết kế dụng cụ thí nghiệm, liên hệ nguyên liệu, đặc biệt là tìm ra quy trình chuẩn nhất cho việc điều chế thủy tinh lỏng từ tro trấu.
“Sau 8 tháng miệt mài, cuối cùng chúng em cũng thành công. Khoảng khắc đó thật hạnh phúc!” Điệp vui vẻ nói.
Mặc dù từ việc điều chế thành công trong phòng thí nghiệm đến ứng dụng trong thực tiễn còn là quãng đường dài nhưng Hồ Phước Điệp cho biết, em sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài này trong tương lai để sớm có thể đưa công trình nghiên cứu của nhóm vào đời sống.
Chuyên nghiệp hóa nghề giúp việc
Nhu cầu về người giúp việc ở các thành phố ngày càng lớn nhưng đội ngũ nhân lực làm nghề này lại chủ yếu là phụ nữ ở nông thôn ra thành thị, không được trang bị kiến thức cơ bản từ việc đơn giản như sử dụng các thiết bị máy móc đến giao tiếp ứng xử. Vì thế, nhiều người không đáp ứng được yêu cầu và giữa người giúp việc và người sử dụng lao động luôn xảy ra những mâu thuẫn.
Xuất phát từ thực tế đó, nhóm sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân đã tiến hành nghiên cứu đề tài Đánh giá năng lực làm việc của lao động giúp việc trên địa bàn thành phố Hà Nội - ngụ ý cho đào tạo nghề. Đề tài đã đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ 2014.
Trưởng nhóm Nguyễn Nguyệt Minh cùng ba thành viên Trần Minh Trang, Đỗ Mỹ Linh và Nguyễn Ngọc Anh đã phải gặp gỡ rất nhiều những người làm nghề giúp việc để phỏng vấn. “Việc phỏng vấn tưởng đơn giản nhưng chúng em lại gặp rất nhiều khó khăn vì để có kết quả nghiên cứu, phải phỏng vấn mẫu số lượng lớn, rồi tổng hợp, phân tích dữ liệu, trong khi chúng em còn phải lên lớp, làm bài tập… Cũng có lúc nản vì không ít người từ chối trả lời”, Minh chia sẻ.
Nguyệt Minh cùng các thành viên trong nhóm nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ tìm hiểu thực tế, nhóm nhận thấy, ngoài yêu cầu về sự nhiệt tình, nghiêm túc trong công việc, trung thực và tiết kiệm trong lối sống, những vấn đề người giúp việc gặp phải lớn nhất là sự thiếu hụt kiến thức trong cách chăm sóc trẻ em, chăm sóc người gia, kỹ năng sử dụng các đồ điện tử và thiết bị hiện đại, kỹ năng thương thuyết và mua sắm để tiết kiệm cho chủ nhà…
Để khắc phục điều này, nhóm của Minh đã đề ra mô hình trung tâm đào tạo chuyên nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động. Ở đó, người giúp việc sẽ được đào tạo các kỹ năng cơ bản tương thích với cầu chủ yếu của người tuyển dụng như kiến thức về chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, người già, dọn dẹp nhà cửa, mua bán hàng, các kỹ năng, ứng xử cần thiết, thái độ cần có khi tham gia hoạt động giúp việc… Tùy theo nhu cầu, người giúp việc có thể đăng ký học một hoặc nhiều nội dung và sẽ được cấp các chứng chỉ sau khóa học.
“Chúng em hy vọng đề tài của mình sẽ là một gợi ý để các cơ quan chức năng tổ chức các trung tâm đào tạo, giúp người lao động có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp hơn, ổn định hơn”, Nguyệt Minh lạc quan.