Theo học ngành công nghệ ô tô nhưng 2 năm qua, quá trình học tập, đặc biệt là phần thực hành luôn bị gián đoạn do dịch bệnh nên Vũ Quốc Anh quyết định lựa chọn một ngành học khác để sớm có việc làm.
"Em đăng ký ngành thiết kế đồ họa. Em thấy bạn em học xong thì có việc làm ngay nên cũng tìm hiểu và quyết định học", Quốc Anh cho biết.
Thậm chí, ghi nhận tại phòng tuyển sinh của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, không ít các bạn đang theo học tại các trường đại học nhưng quyết định bỏ ngang để đăng ký học ở đây.
Em Dương Thị Hồng Khanh cho biết: "Em đã tìm hiểu qua về ngành thương mại điện tử, môi trường tới đây rất rộng mở cho mình làm việc. Các bạn của em học ở đây xong thì xin việc khá dễ vì có nhiều kỹ năng mềm, trường chọn giới thiệu đến các doanh nghiệp phù hợp với năng lực".
Theo thống kê, 1 năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký các ngành nghề ứng dụng công nghệ thông tin như marketing số, thiết kế đồ hoạ, tự động hóa… có sự gia tăng rõ rệt. Đây cũng là nhóm ngành gặp nhiều thuận lợi khi việc học phải chuyển sang hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Sinh viên vẫn đảm bảo tiến độ học tập, ra trường đúng hạn.
Cũng theo các nhà tuyển dụng, các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được đánh giá là một trong các nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về dài hạn, nhu cầu của thị trường lao động cũng sẽ có những điều chỉnh, gia tăng trong những nhóm ngành này.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Công ty Cổ phần TOPCV Việt Nam, nhận định: "Xu hướng về lâu dài sẽ ngày càng nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, làm từ xa, nhu cầu tuyển dụng cũng nhiều".
Có thể thấy, thí sinh và gia đình nên có những tìm hiểu về nhu cầu lao động của thị trường trong thời gian tới để có thể chọn trường, chọn ngành nghề học phù hợp. Quan trọng là phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình của từng học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!