Những hoạt động nổi bật của ngành Giáo dục năm 2022

TTXVN-Thứ sáu, ngày 30/12/2022 14:26 GMT+7

Thí sinh làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

VTV.vn - Ngày 30/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố "12 hoạt động, sự kiện nổi bật của ngành Giáo dục năm 2022".

Các hoạt động nổi bật của ngành trong năm qua gồm:

- Mở cửa trường học, đưa hoạt động giáo dục trở lại bình thường.

- Tích cực triển khai các gói hỗ trợ cho người dạy, người học chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

- Nhiều quyết sách và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc.

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai sâu, rộng theo đúng kế hoạch ở 3 cấp học với sự vào cuộc của tất cả các địa phương.

- Học sinh Việt Nam giành nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022.

- Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2022 được triển khai an toàn, chất lượng.

- Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực cả về bề rộng và chiều sâu.

- Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm cổ vũ, động viên và tôn vinh nhà giáo.

- Tự chủ đại học đi vào chiều sâu.

- Văn hóa học đường và an toàn trường học được quan tâm, chỉ đạo, tạo tiền đề để triển khai sâu rộng trong năm tới.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN và tham gia Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về tái thiết giáo dục.

- Giáo dục Việt Nam gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế.

Năm 2022 là năm ngành Giáo dục tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 suốt gần 3 năm liên tiếp. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngành Giáo dục vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học, thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường. Cùng với việc mở cửa trường học là rất nhiều việc đã và đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm củng cố những lỗ hổng kiến thức, kỹ năng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng giáo dục. Những việc này có thể phải mất nhiều năm, song ngành xác định kiên trì và quyết tâm giải quyết.

Do tác động của dịch bệnh, hàng trăm trường tư thục đã phải đóng cửa, hàng ngàn giáo viên phải nghỉ việc. Để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời đối với các cơ sở giáo dục, người dạy, người học, nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ và ngành giáo dục triển khai như: gói hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên; gói hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; hỗ trợ với mức từ 2,2 triệu đồng hoặc 3,7 triệu đồng đối với giáo viên mầm non, tiểu học trường ngoài công lập khó khăn do COVID-19; gói hỗ trợ đầu tư triển khai chuyển đổi số...

Các chính sách hỗ trợ vẫn đang tiếp tục được triển khai hiệu quả. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030".

Đối với vấn đề thiếu giáo viên, đây không phải vấn đề mới nhưng 2022 là năm bộc lộ rõ nhất. Tình trạng giáo viên nghỉ việc do các nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc và do nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa cũng là vấn đề nổi cộm của 2022.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó, các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.

Một trong các chính sách quan trọng đang được Chính phủ xem xét là tăng lương cho giáo viên. Đây sẽ là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác. Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy.

Trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, năm 2022 đánh dấu nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với một khối lượng công việc rất lớn đã được hoàn thành. Năm học 2022-2023, chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT nhằm cải thiện chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Với một số môn học mới, môn học bắt buộc được triển khai trong năm học, Bộ đã có những hướng dẫn, chỉ đạo địa phương để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện.

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, từ đó điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất đối với môn Lịch sử.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo dục mũi nhọn của Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên toàn thế giới.

Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.

Năm 2022 cũng ghi nhận nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, đồng thời, đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Qua đó, đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên và gần 21 triệu hồ sơ học sinh.

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để, từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học. Kết quả trên đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là "tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho người dân".

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục và xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông. Bộ cũng sẽ sớm đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước