Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới

Nguyễn Nga, Phạm Hùng-Thứ sáu, ngày 13/05/2022 12:31 GMT+7

VTV.vn - Tình yêu nảy mầm trên miền núi đá để rồi họ cùng nhau bám bản, gieo chữ cho học sinh nơi vùng cao biên giớiở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Huyện Mèo Vạc là 1 trong 4 huyện cao nguyên đá hiểm trở nhất của tỉnh Hà Giang. Tại đây, núi đá cằn cỗi, quanh năm thiếu nước, cuộc sống vô cùng khó khăn nên những khoảnh nương không phải tự nhiên mà có, thậm chí có gia đình phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều đời mới có được. Khó khăn là vậy nhưng trên chính những dải đá núi cheo leo ấy còn có những "khoảnh nương" đặc biệt. Những "khoảnh nương" gieo mầm tri thức cho những đứa trẻ vùng cao của các cặp vợ chồng.

Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 1.

Thầy cô giáo "5 trong 1"

Thôn Nà Nũng A, xã biên giới Sơn Vĩ có tất cả 57 hộ thì 55 hộ là hộ nghèo, 2 hộ còn lại là cận nghèo. Không điện, không nước, không chợ, cuộc sống nơi đây vô cùng khó khăn.

Tại điểm trường này, thầy giáo Du dạy cấp tiểu học. Còn lớp mầm non do cô giáo Liên giảng dạy. Không chỉ là đồng nghiệp, họ còn là 1 cặp vợ chồng.

13 năm cắm bản cùng nhau, vợ chồng thầy Du, cô Liên đã chinh phục những điểm trường cheo leo, khó khăn nhất bằng tình yêu học trò.

Không chỉ là thợ cắt tóc, bác sĩ, cặp vợ chồng còn bảo nhau kiêm thêm việc chuẩn bị bữa trưa cho các em. Nếu như ở miền xuôi, mì tôm là 1 món ăn rất đỗi bình thường thì với những đứa trẻ này, lại là 1 món đặc sản là tép khô. Hơn ai hết, các thầy cô hiểu rằng chỉ khi "cái bụng trò được no" thì con chữ mới có thể thắp sáng.

Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 2.

Lạc quan - Gia vị hạnh phúc nơi vùng cao biên giới

Nếu một lần đến với những ngôi trường vùng cao, bạn hãy dành đôi phút nắm lấy đôi bàn tay của các thầy cô giáo, chắc chắn sẽ cảm nhận được những điều rất đặc biệt. Đôi bàn tay ấy không mềm mại như thông thường mà lại nhiều những vết chai sần, bởi ngoài việc cầm phấn giảng dạy trên lớp, họ còn phải lao động, phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc.

Tuy nhiên, thật hạnh phúc khi tại chính nơi đây, những bàn tay đã tìm đến nhau khi trái tim hòa chung nhịp đập. Họ đã nắm lấy tay nhau, tiếp thêm nghị lực để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, của tỉnh Hà Giang) hiện có 12 cặp đôi là thầy cô giáo. Xa điểm trường chính, đường đi lại khó khăn, bởi vậy trường học cũng đã trở thành tổ ấm của các cặp đôi.

Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 3.

Thượng Phùng là vùng đất được mệnh danh "rốn gió" của cao nguyên đá. Những ngày hè tháng 4, tháng 5 vẫn rét căm căm, mây mù phủ kín. Tại đây, điểm trường Giàng Sán là tổ ấm của cặp đôi thầy giáo Khôi và cô Hằng.

11 năm thành vợ chồng, cô Hằng - thầy Khôi đã cùng nhau đi từ điểm trường trình tường - tranh vách đất đến điểm trường lắp ghép như hiện tại.

Sống quanh năm ở trên núi, bởi thế cách thể hiện tình cảm vợ chồng của các thầy cô cũng rất đặc biệt.

"Lấy nhau 12 năm nhưng chưa bao giờ nhận được bông hoa nào vì hoa rừng thì nhiều chứ nếu hoa hồng thì phải ở mãi huyện rất xa. Chồng chỉ bảo thôi hôm nay anh mổ gà cho, nấu cơm cho em. Vậy là tình cảm lắm rồi", cô hằng chia sẻ.

Cuộc sống ở những điểm trường vùng cao thiếu thốn đủ thứ nhưng có một thứ gia vị luôn đủ đầy, đó là sự lạc quan và hạnh phúc.

Những gia đình nhỏ nơi biên cương

Nếu như những tổ ấm hạnh phúc thông thường ở miền xuôi được xây bằng cát gạch thì ở nơi biên cương, tổ ấm được xây bằng tinh thần lạc quan và cả sự hi sinh. Có cả bố và mẹ đều là giáo viên cùng cao thì chịu thiệt thòi hơn cả chính là những đứa trẻ. Có em phải theo bố mẹ lên vùng cao để sinh sống và giảng dạy nhưng cũng có những em đã phải xa bố mẹ từ khi mới 9-10 tháng.

Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 4.

Vợ chồng thầy Du, cô Liên, 13 năm nên duyên vợ chồng thì hơn chục năm họ phải sống xa con.

"Bé lớn 9 tháng đã phải gửi về cho ông ngoại nuôi, bạn bé 11 tháng gửi về cho bà nội nuôi. Mới xa mẹ con khóc rất nhiều, 9 tháng đã cai sữa nên mình còn khá nhiều sữa, cảm giác tức sữa rất khó chịu", cô Liên kể lại.

Còn bé nhà cô Hằng cai sữa sớm quá nên 3 năm đầu tiên thường xuyên đi viện nhưng có khi bố mẹ ở xa lại chưa về được. Những đứa trẻ bi bô tập gọi bố - mẹ qua điện thoại và cả tiếng hát ru của mẹ cũng nhờ sóng điện thoại gửi tới con.

Điểm trường Thàn Chư, xã Thượng Phùng là nơi vợ chồng thầy Tiệp, cô Dinh giảng dạy. Con lớn 13 tuổi đang ở dưới quê cùng ông bà, con nhỏ thì mới 2 tuổi, do khó khăn nên phải bảo cô lên trông. Vậy là hơn 1 năm nay, em gái của thầy giáo Tiệp lại lên núi cùng anh chị để trông cháu.

Mỗi gia đình, mỗi cặp đôi là một hoàn cảnh nhưng họ giống nhau ở tình yêu nghề và quyết tâm vượt khó, bám trụ gieo chữ nơi vùng cao biên giới.

Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 5.

Những ngôi trường hạnh phúc nơi vùng cao biên giới

Những hạt giống được gieo tại nơi khó khăn sẽ nở ra những bông hoa đẹp nhất. Những bông hoa trên đá đã nở như một phép ẩn dụ ngọt ngào cho những cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo vùng cao, những cặp đôi đang âm thầm gieo chữ mỗi ngày ở nơi xa xôi, hiểm trở.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Và họ, những người đã lựa chọn gắn bó với vùng cao để giờ đây vùng đất Mèo Vạc đã hóa tâm hồn, hóa thành quê hương thứ 2 của họ. Ở nơi ấy, bằng tình yêu nghề, yêu trò và yêu nhau, họ đã vun vén nên những ngôi trường hạnh phúc.

Những cặp đôi cùng gieo chữ nơi vùng cao biên giới - Ảnh 6.

Nhờ sự tận tâm của các thầy cô giáo, các điểm trường xa xôi của huyện Mèo Vạc đều duy trì sĩ số, các em học sinh cũng có ý thức với việc đến trường, học con chữ. Huyện Mèo Vạc có hàng trăm cặp đôi đang cùng nhau ngày ngày gieo chữ tại các điểm trường xa xôi, ươm những mầm xanh cho cao nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước