Nhiều trường học loay hoay tìm phương án dạy môn hướng nghiệp

Thanh Hải - Đức Dương-Thứ ba, ngày 04/10/2022 09:15 GMT+7

VTV.vn - Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi tuần, học sinh sẽ có 3 giờ học trải nghiệm - hướng nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, do thiếu giáo viên chuyên trách nên các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Lần đầu tiên đưa bộ môn này vào giảng dạy, nhiều trường tại TP Hồ Chí Minh còn loay hoay tìm phương án dạy và học.

Theo các giáo viên, lần đầu tiên học bộ môn này, nhiều học sinh rất hào hứng. Nhất là đối với những học sinh đang băn khoăn sẽ chọn ngành nghề nào để theo học trong 1,2 năm tới. Theo các trường, hiện nay thiếu giáo viên chuyên trách, các trường phải phân công giáo viên chủ nhiệm hoặc bộ môn dạy kiêm nhiệm. Mong muốn của các trường là sớm có nguồn giáo viên đào tạo chuyên trách và phối hợp với các trường đại học và mời các chuyên gia hướng nghiệp để môn học này thật sự mang lại hiệu quả cho học sinh.

Cô Lê Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Sắp tới chúng tôi rất mong muốn phối hợp với các trường Cao đẳng - Đại học, mời các báo cáo viên là các giảng viên đang công tác giảng dạy tại các trường, các thầy cô là chuyên viên ở các phòng GD-ĐT, các trường ĐH về trường để tư vấn cho các em học sinh đang học tại trường, định hướng cho các em về nghề nghiệp các em yêu thích và giúp các em chọn được hướng đi". 

Các trường THCS cũng cho rằng, lâu nay ở bậc THCS chưa được chú trọng công tác hướng nghiệp. Cần phải triển khai sớm giúp các em hướng đi rõ ràng ngay khi kết thúc chương trình lớp 9.

Ông Dương Công Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi ví học sinh lớp 9 như đứng ở ngã 3 đường, các em quẹo trái hay quẹo phải đây. Không phù hợp thì các em sẽ bỏ và quay lại từ đầu thì mất thời gian rất nhiều. Nên nếu được có những chuyên gia hay ai đó định hướng sâu và định hướng đúng để cho các em đi đúng hướng thì đó là một may mắn cho nhà trường". 

Tiến sĩ Mai Đức Toàn - Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp chia sẻ về vấn đề này: "Hiện nay hình ảnh của các trường ĐH và Cao đẳng tại THCS là số 0. Nên việc hướng nghiệp phải làm từ sớm, các em ngay từ lớp 9 đã tìm hiểu về ngành nghề. Thực tế các trường THCS đang rất bơ vơ trong việc định hướng nghề nghiệp cho các em, nếu có thì cũng rất ít, không mang tính khoa học, logic nên dẫn đến khi lên bậc học cao hơn là THPT lại tiếp tục rơi vào trạng thái này nữa". 

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ thêm: "Năm tới chúng tôi sẽ lập hẳn một đường dây nóng để các chuyên gia cùng tham gia trả lời cho các em, đưa cho các em trường phổ thông thông tin hướng nghiệp và cùng đến các trường phổ thông để tham gia các lớp học, gửi các em phiếu khảo sát để nắm được ý nguyện và mong muốn của các em. Sau đó, rchúng tôi về phân tích, giúp các em lựa chọn hướng đi".

Theo các chuyên gia, hiểu rõ bản thân, được tư vấn và hướng nghiệp từ sớm sẽ giúp các em sớm đi đúng hướng từ đầu, không phải sửa sai. Sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh và các chuyên gia am hiểu về hướng nghiệp sẽ giúp các em rút ngắn thời gian, lựa chọn hướng đi tốt nhất, tránh lãng phí các nguồn lực xã hội. 

Tiêu dùng bền vững – Xu hướng cần được doanh nghiệp nắm bắt và thúc đẩy Tiêu dùng bền vững – Xu hướng cần được doanh nghiệp nắm bắt và thúc đẩy Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định như năm 2022 Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định như năm 2022 Giáo viên tìm giải pháp thay đổi cách dạy học, hướng nghiệp Giáo viên tìm giải pháp thay đổi cách dạy học, hướng nghiệp

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước