Sau khi ĐHQG Hồ Chí Minh công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, năm 2021 vào ngày 5/4. Nhiều trường đại học ngoài khối ĐHQG đã bắt đầu công bố ngưỡng điểm chất lượng đầu vào.
Ngưỡng điểm chuẩn phổ biến là 650 điểm
Hiện nay, mức điểm sàn phổ biến các trường đại học xét theo điểm đánh giá năng lực là từ 600 đến 700 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh công bố ngưỡng điểm sàn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực từ 600 - 650 điểm. Đối với các ngành học tại phân hiệu chính ở TP. Hồ Chí Minh, trường nhận hồ sơ từ 650 điểm. Còn đối với các ngành tại phân hiệu ở tỉnh Quảng Ngãi, mức điểm từ 600 điểm. Thời gian trường sẽ nhận hồ sơ từ ngày 12/4 đến hết 30/7.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh công bố mức điểm nhận hồ sơ của phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực ở 29 ngành đào tạo là 650 điểm.
Theo nhà trường, điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực của quy chế tuyển sinh hiện hành. Quá trình xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Tương tự, mức điểm nhận hồ sơ của trường ĐH Gia Định ở 16 ngành đào tạo từ 600 - 650 điểm tùy ngành. Nhà trường nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 8/4 đến 15/7 và sẽ công bố kết quả trúng tuyển dự kiến từ 1/8.
Đại học Ngoại thương hiện nay là một trong số những trường đưa ra mức điểm sàn đánh giá năng lực cao nhất hiện nay, là 850 điểm. Đây là năm đầu tiên trường Đại học Ngoại thương xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội.
Điều kiện tham gia xét tuyển là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7 trở lên, có kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hồ Chí Minh từ 850/1.200 điểm hoặc kết quả bài thi của Đại học Hà Nội từ 105/150 điểm.
Trong khi đó, có những trường chỉ công bố mức điểm sàn là 500/1200 điểm, tức mức dưới điểm trung bình. Theo đó, thí sinh có tổng điểm của bài thi cộng với điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 500 điểm trở lên sẽ đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ vào trường ĐH Thủ Dầu Một.
Riêng đối với các ngành Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của trường này có thêm yêu cầu phải có học lực năm lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên. Ngành Dinh Dưỡng yêu cầu phải học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Đối với ngành còn lại không yêu cầu học lực.
Các nhóm ngành sức khỏe điểm sàn ở mức cao
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường ĐH Công nghệ thông tin vừa qua
Trường ĐH Văn Lang vừa thông báo mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, sẽ có ba nhóm điểm sàn theo các loại hình ngành học khác nhau. Trong đó, cao nhất là nhóm ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học sẽ có điểm sàn từ 700 điểm; ngành Răng - Hàm - Mặt và Dược học lấy từ 750 điểm; Các ngành còn lại là 650 điểm, theo thang điểm 1.200.
Nhà trường cũng cho biết, mức điểm này dành cho thí sinh là học sinh phổ thông khu vực 3, tức là không ưu tiên đối tượng - khu vực.
Với Đại học Tây Nguyên, với mức điểm sàn đa số các ngành là 600 điểm. Riêng điều kiện xét tuyển nhóm ngành sức khỏe như Y khoa phải đạt từ 850 điểm trở lên; Điều dưỡng, Kĩ thuật xét nghiệm y học từ 700 điểm trở lên.
Nắm kỹ lục hiện nay là 900 điểm đối với ngành Dược học của ĐH Hoa Sen, còn đối với các ngành còn lại của đại học này thì điểm sàn từ mức 600 điểm.
Điểm sàn có xu hướng tăng?
Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG Hồ Chí Minh cho biết đã có hơn 70 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng điểm thi ĐGNL để xét tuyển. Trong đó, một số trường lần đầu tiên sử dụng như Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương…
Với số lượng thí sinh "khủng", phổ điểm rộng, số lượng thí sinh có từ 800 - 1.200 điểm tăng nhiều so với các năm 2019 và 2020, dẫn đến điểm chuẩn đánh giá năng lực của các trường tăng là điều tất yếu.
Theo Ths. Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH KHXH&NV cho rằng với múc điểm trung bình là 688 điểm và có hơn 2.776 thí sinh có điểm bài thi trên 900 sẽ là cơ hội tuyển sinh tốt cho các trường.
"Do phổ điểm 2021 có phần tương đồng với năm 2019, 2020 nên khả năng không có nhiều biến động ở mức điểm sàn. Tuy nhiên, nếu điểm chuẩn tăng thì sẽ tập trung nhiều vào các ngành có nhu cầu học cao. Đặc biệt, thí sinh có xu hướng tập trung vào các ngành "hot" như Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ Quốc tế, Tâm lý học, Hàn Quốc học....", Ths. Trần Nam chia sẻ.
Ông Nam cũng cho biết thêm, trường ĐH KHXH&NV sẽ dành tối đa 50% chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức thi đánh giá năng lực năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!