Dù ở xa vẫn muốn nộp đơn xét tuyển trực tiếp tại trường
Năm nay, hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến được Bộ Giáo dục - Đào tạo lần đầu đưa vào sử dụng. Bộ cũng đã mở trang đăng ký thử nghiệm cho các thí sinh đăng ký thử trước. Dù vậy, không ít thí sinh và phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng và muốn được nộp đơn trực tiếp đến trường. Chị Nguyễn Hương Ly, trú tại TP. Thái Nguyên cho biết: "Vẫn biết là Bộ tổ chức đăng ký trực tuyến sẽ giảm thiểu được chi phí đi lại và công sức cho phụ huynh và thí sinh ở các tỉnh xa. Nhưng dù sao thì đến tận nơi nộp đơn xét tuyển tôi vẫn cảm thấy an tâm hơn là đăng ký trên mạng. Tôi lo lỡ như có vấn đề gì trong ngày cuối cùng thì lại phải vội vàng đi nộp thì vất vả hơn".
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã sớm có những hướng dẫn vô cùng chi tiết về việc xét tuyển trực tuyến cho thí sinh
Cùng một nỗi lo lắng tương tự như chị Hương Ly, em Đỗ Quốc Huy, tại TP. Vinh chia sẻ: "Em và gia đình quyết định sẽ gửi đơn xét tuyển bằng đường bưu điện đến cho trường vì cảm thấy chắc chắn hơn đăng ký trực tuyến. Vì gửi bằng đường bưu điện nên em sẽ gửi sớm ngay trong những ngày đầu của đợt xét tuyển ĐH - CĐ. Thật ra em muốn được ra tận nơi trường để nộp xét tuyển nhưng nhà không có đủ điều kiện. Vì dù sao nếu gửi bằng đường bưu điện vẫn có một số trường hợp xảy ra như thất lạc thư chẳng hạn".
Giải đáp cho nỗi lo lắng trên, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhiều lần khẳng định quy trình đăng ký xét tuyển trực tuyến vô cùng đơn giản và cập nhật thông tin cho các thí sinh chính xác. Khi thí sinh đăng ký online thành công sẽ được xác nhận trên màn hình máy tính, thí sinh cần chụp lại hình ảnh xác nhận để có thể xác minh sau này. Đối với những trường hợp gửi đơn xét tuyển qua đường bưu điện thì nên giữ lại giấy xác nhận/biên lai chuyển phát bưu phẩm để đảm bảo cho việc xác minh nếu có sự việc thất lạc giấy tờ.
Tại các trường ĐH thuộc nhóm GX, nhiều trường cũng đã chuẩn bị phương án tiếp sinh phòng trường hợp có nhiều thí sinh đến nộp đơn xét tuyển trực tiếp tại trường.
Nhiều thí sinh sẽ không đăng ký xét tuyển sớm
Thời gian đăng ký xét tuyển Đại học đã bắt đầu vào ngày hôm nay (1/8). Trước đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào vào ngày 28/7, tất cả các trường ĐH - CĐ trên cả nước cũng đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển của từng ngành. Dù đã đầy đủ mọi yếu tố để các thí sinh lựa chọn được cho mình một ngôi trường thích hợp với số điểm đã có nhưng hầu như các thí sinh còn khá chần chừ trong việc chọn trường.
Trước ngày bắt đầu xét tuyển, em Lê Hải Linh - TP.Vinh, Nghệ An cho biết: "Em được 21 điểm khối A, ban đầu mục tiêu của em là vào được trường quân đội, nhưng với số điểm này em không có đủ tự tin sẽ đậu trường mình thích. Em đang rất băn khoăn để nộp đơn xét tuyển vào các trường khác như ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng không biết liệu có nhiều người cũng sẽ nộp vào không. Nếu có đông người cùng nộp vào thì em sợ cơ hội của mình không cao".
Do các trường sẽ không cập nhật số liệu tuyển sinh hàng ngày nên nhiều thí sinh lo lắng sẽ không biết được tỷ lệ chọi bao nhiêu để chọn trường (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Trong ngày đầu đăng ký xét tuyển ĐH - CĐ, nhiều thí sinh vẫn chưa hết đắn đo, suy nghĩ khi cầm lá phiếu đăng ký trên tay. Em Đặng Hải Châu - Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Tuy đã vào thời gian xét tuyển nhưng em chưa có ý định sẽ nộp đơn đăng ký xét tuyển sớm. Em vẫn còn muốn suy nghĩ kỹ hơn và muốn xem tình hình đăng ký chọn trường của các bạn khác nữa. Vì lần này chúng em chỉ được nộp 1 lần và không thể thay đổi". Hải Châu cho biết sẽ đăng ký xét tuyển vào những ngày giữa trong đợt xét tuyển đầu để tìm hiểu thêm thông tin.
Cùng suy nghĩ với Hải Châu, em Nguyễn Diệu Linh - Cầu Giấy, Hà Nội cho biết mình cũng sẽ không đăng ký xét tuyển quá sớm. "Năm nay các trường sẽ không công bố thông tin xét tuyển theo từng ngày như năm ngoái tức là chúng em sẽ không biết được sẽ có bao nhiêu thí sinh cùng đăng ký nguyện vọng vào trường giống mình để biết được tỷ lệ chọi bao nhiêu. Ngoài ra, vì không được thay đổi nguyện vọng nên chúng em phải suy nghĩ rất kỹ càng, không thể nộp sớm rồi hối hận hay lo lắng chờ đợi được".
Trong ngày đầu tiên diễn ra kỳ xét tuyển ĐH - CĐ, số thí sinh đến đăng ký xét tuyển trực tiếp tại các trường ĐH không nhiều, không loại trừ khả năng phần lớn các thí sinh lựa chọn đăng ký trực tuyến qua mạng. Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng các thí sinh sẽ không nộp đơn xét tuyển quá sớm mà sẽ tập trung nộp vào khoảng thời gian giữa của kỳ xét tuyển.
Trong năm 2015, các trường được phép cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển và công khai danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mỗi ngày. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh khi danh sách trúng tuyển tạm thời liên tục thay đổi. Việc không công bố dữ liệu đăng ký xét tuyển sẽ giúp các em ổn định tâm lý hơn, suy nghĩ kĩ hơn trong việc chọn trường và yên tâm đợi kết quả xét tuyển.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.