Điểm thi tốt nghiệp của Nguyễn Thành Nam (trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội) khối A1 đạt hơn 27 điểm. Kết quả này không quá quan trọng bởi trước đó, em đã chắc chắn một suất vào đại học. Có một điều không phải ai cũng biết, chỉ cách đây 3 năm, Nam đã trải qua thất bại đầu đời là trượt kỳ thi vào cấp 3 công lập ở Hà Nội.
"Ielts của em 7.5 nên em đã xét tuyển theo phương thức kết hợp Ielts và học bạ. Qua đó e đỗ Bưu chính viễn thông, Học viện Ngoại giao, Học viện An ninh nhân dân" - Nam chia sẻ.
Chị Nguyễn Trà Dung, mẹ của Nam cho biết: "Sau thất bại của kỳ thi vào cấp 3 thì ý thức học của con tốt lên. Con đã thực hiện tốt kế hoạch, và kết quả như ngoài mong đợi của gia đình",
Nhiều gia đình đã chuẩn bị hành trang tiếng Anh cho con từ rất sớm nên các em không phải phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và đi thi với tâm thế bớt áp lực hơn. Trong khi đó, nhiều thí sinh đã lựa chọn con đường ngắn hơn để lập nghiệp. Số liệu năm 2021 cho thấy, gần 22% thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp trong số hơn 1 triệu em đăng ký thi.
TS. Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: "Có nhiều em đỗ Đại học đã lựa chọn học nghề. Thậm chí nhiều em được doanh nghiệp tài trợ chi phí, ra trường các em có việc làm luôn"
Vui có, buồn cũng nhiều là tâm trạng của nhiều học sinh lớp 12 khi biết điểm số nhưng cuộc đời đâu chỉ có một kỳ thi.
Bà Vũ Thu Hà, chuyên gia tâm lý Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam chia sẻ: "Nếu chúng ta không đạt được môi trường chúng ta mơ ước thì điều ấy cũng không quan trọng bởi vì mơ ước của chúng ta còn có nhiều sau này".
Vượt qua những thất vọng tuổi trẻ, Nam đã biến ước mơ của mình thành hiện thực ở tuổi 18. Điều quan trọng nằm ở chỗ để đi đúng hướng, bố mẹ luôn phải đồng hành cùng con lựa chọn con đường phù hợp với năng lực bản thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!