Nhiều khoản thu vô lý trong trường học: Làm sao ngăn chặn tình trạng lạm thu?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 06/10/2022 18:47 GMT+7

VTV.vn - Để ngăn chặn tình trạng này, hiện hàng loạt các địa phương đã ra văn bản để ngăn chặn lạm thu trong nhà trường.

Những khoản thu vô lý

Trường Tiểu học Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh): Nhà trường yêu cầu mỗi học sinh lớp 1 phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, ngoài ra còn tiền mua rèm cửa, đóng quỹ cha mẹ học sinh. Tổng cộng gần 1 triệu đồng. Giáo viên lưu ý: nếu phụ huynh không đóng tiền mua bàn ghế, con không có chỗ ngồi học!

Nhiều khoản thu vô lý trong trường học: Làm sao ngăn chặn tình trạng lạm thu? - Ảnh 1.

Trường Trung học phổ thông Lê Chân (Hải Phòng): Trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp để việc sử dụng điện trong trường được ổn định, kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Trường Tiểu học Quảng Phú 2 (phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi): Trường thông báo thu các khoản: Xã hội hóa 80.000 đồng; giấy kiểm tra 25.000 đồng; kế hoạch nhỏ 30.000 đồng; nước uống 80.000 đồng; vệ sinh lớp 180.000 đồng.

Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh): Nhà trường thông báo đóng 50.000 đồng/tháng tiền thuê máy tính. Lại có loại phí mới là 12.000/tháng tiền điểm danh bằng vân tay.

Các trường trên đều đã bị Sở GD-ĐT, UBND tỉnh, UBND huyện phê bình và yêu cầu không được thu, trả lại tiền đã thu cho phụ huynh.

Cần phải nhìn nhận một điều: trong hoàn cảnh Nhà nước không thể đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh đối với việc học tập của con em mình thì việc xã hội hóa trong trường học cần được khuyến khích. Phụ huynh có điều kiện, có nhu cầu đóng góp thì chẳng có lý gì lại không ủng hộ. Đóng góp để con ngồi học mát hơn, đồ dùng tốt hơn, đèn điện đảm bảo hơn... Thế nhưng, việc đóng góp này đầu tiên là phải trên tinh thần tự nguyện và không thể cào bằng bởi điều kiện của các gia đình khác nhau. Hơn nữa, khi đưa ra một khoản thu, phải có ý kiến và sự đồng thuận của tất cả phụ huynh. Ngay cả khi nhà trường đưa ra các khoản thu, phụ huynh đã đóng rồi mà nhà trường thu chi không đúng, sẽ bị xử lý hình sự. Vụ án vừa xét xử tại Hải Phòng là một dẫn chứng.

Hiệu trưởng lĩnh án tù vì lạm thu

Năm học 2019-2020, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền phân công nữ giáo viên môn Công nghệ làm thủ quỹ nhà trường. Hiệu trưởng đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp thu trái quy định 5 khoản gồm: Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, lệ phí học nghề, in sao đề thi và giấy thi, hỗ trợ tiền điện và lập quỹ Thắp sáng ước mơ. Tổng cộng các khoản thu trái quy định hơn 1,2 tỉ đồng. Trong đó, hơn 800 triệu đồng để ngoài sổ sách, tự ý chi tiêu các mục riêng.

Với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", hiệu trưởng bị 42 tháng tù giam, thủ quỹ bị 8 tháng tù giam.

Nhiều khoản thu vô lý trong trường học: Làm sao ngăn chặn tình trạng lạm thu? - Ảnh 2.

Trường THCS Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Ảnh: Chinhphu.vn

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, những sai phạm trong thu chi của các trường sẽ luôn bị xử lý nghiêm.

Để ngăn chặn việc lạm thu trong các nhà trường, tháng 7 vừa qua, Thành phố Hải Phòng đã ban hành nghị quyết, quy định rõ các khoản nhà trường được phép thu.

Các địa phương chống lạm thu trường học

Phải khẳng định rằng những người tham gia ban phụ huynh của lớp hay của trường đều rất đáng ghi nhận bởi nhận công việc vác tù và hàng tổng thế nhưng lợi dụng vị trí để kêu gọi quá nhiều khoản thu thì cũng sẽ gây ra những tác dụng ngược và những người vi phạm đều sẽ bị xử lý. Để ngăn chặn tình trạng này, hiện hàng loạt các địa phương đã ra văn bản để ngăn chặn lạm thu trong nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định, như: Bảo vệ cơ sở vật chất, trông xe của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên; mua trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ quản lý, tổ chức dạy học; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu với các khoản thu đầu năm, các trường phải thống nhất với phụ huynh. Khi thu phải có hóa đơn và quản lý tài chính theo quy định. Hiệu trưởng có trách nhiệm triển khai, phổ biến kịp thời đến giáo viên.

Tại nhiều nơi như Nam Định, Ninh Bình, Đắk Lắk cũng đã hướng dẫn chi tiết các khoản thu trong cơ sở giáo dục công lập năm học này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước