Nhiều học sinh thiểu số phải bỏ học vì không còn được hưởng trợ cấp

Tấn Hiền - Đình Đại-Chủ nhật, ngày 14/11/2021 12:59 GMT+7

VTV.vn - Đường đến trường của học sinh dân tộc thiểu số ở một số vùng Tây Nguyên càng thêm khó khăn khi không còn thuộc diện được nhận trợ cấp cho học sinh bán trú.

Vài tháng nay, trong hành trang của cha con A Nghị mỗi đầu tuần đưa con đến trường lại lỉnh kỉnh thêm nhiều thứ. Khi thì bó củi, túm gạo, khi thì vài quả bầu, quả bí đủ để cho đứa con vừa vào lớp 3 ăn học trong cả tuần xa nhà. Năm học trước, con anh được học bán trú nên gia đình không phải lo cho cái ăn. Năm nay, mọi khoản hỗ trợ bị cắt nên đường đến trường thêm chông chênh. Vất vả là thế nhưng cũng là nhàn hơn nhiều so với quãng đường gần 10 cây số từ nhà đến lớp phải đưa đón hàng ngày.

"Ở trong làng cũng có nhiều trường hợp không cho con đi học nữa vì không có đủ tiền", anh A Nghị chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Măng Cành trung bình mỗi năm có trên 100 em thuộc diện bán trú, chiếm khoảng 1/2 tổng số học sinh. Đây là những học sinh người dân tộc thiểu số ở các làng vùng sâu, cách xa trường học. Trong năm học mới này, chỉ một số rất ít học sinh thuộc diện bán trú được theo học tại điểm trường chính theo diện cha mẹ gửi gạo nhờ thầy cô nấu ăn. Nhiều em vì gia đình quá nghèo đã phải bỏ học vì không có gạo.

Nhiều học sinh thiểu số phải bỏ học vì không còn được hưởng trợ cấp - Ảnh 1.

"Trường đã chuyển một số em về các điểm trường thôn như thôn Kon Du có 72 em đang theo học ở đó để giảm bớt áp lực với trường bán trú. Nếu cứ để các em đóng tiền ăn, tiền gạo hàng tháng thì việc nhà trường cố duy trì sĩ số là điều khó đảm bảo", thầy giáo Trần Thông, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Măng Cành, Kon Plông, Kon Tum cho biết.

Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, Kon Tum cho biết: "Ngành giáo dục và đào tạo mong muốn các cấp, các ngành có cơ chế đặc thù của tỉnh để hỗ trợ cho các em, để có thể duy trì được mô hình "bán trú, dân nuôi". Qua đó, mới có thể duy trì được sĩ số học sinh và chất lượng học sinh".

Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 26 đơn vị trường học tổ chức bán trú với trên 4.000 học sinh. Trong năm học này, 920 em đã bị cắt giảm chế độ do không còn thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn. Việc không còn được nhận hỗ trợ từ nhà nước đã khiến các em phải chuyển về các điểm trường lẻ không đảm bảo điều kiện học tập. Thêm vào đó, khi điều kiện kinh tế chưa có nhiều thay đổi, những bữa cơm trưa tại trường do gia đình chuẩn bị sẽ khiến con đường tìm chữ của các em càng thêm nhọc nhằn…

Việc không còn được nhận hỗ trợ từ nhà nước đã khiến các em phải chuyển về các điểm trường lẻ không đảm bảo điều kiện học tập. Thêm vào đó, khi điều kiện kinh tế chưa có nhiều thay đổi, con đường tìm chữ của các em học sinh nơi đây càng thêm nhọc nhằn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước