Khuôn viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Nhiều đột phá trong năm học mới
Thông tin từ đề án tuyển sinh của nhà trường cho biết, năm học 2023 - 2024, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 51 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 5 ngành/chương trình đào tạo mở mới gồm 2 ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực, Ngôn ngữ học và 3 chương trình đào tạo: Năng lượng tái tạo; Sản xuất thông minh; Điện tử Y sinh.
Được biết, ngoài tuyển sinh Đại học chính quy, năm học 2023 - 2024, trường tiếp tục tuyển sinh Đại học đào tạo từ xa 2 ngành Ngôn ngữ Anh và Kế toán; liên thông từ cao đẳng lên Đại học; Đại học vừa làm vừa học và Cao đẳng chính quy.
Các phương thức xét tuyển của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy định của BGD&ĐT.
- Phương thức 2: Xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế. (Chỉ tiêu dự kiến 5%)
- Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. (Chỉ tiêu dự kiến 65%)
- Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT (Học bạ). (Chỉ tiêu dự kiến 15%)
- Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2023. (Chỉ tiêu dự kiến 5%)
- Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023. (Chỉ tiêu dự kiến 10%)
Thông tin chi tiết về công tác tuyển sinh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được giải đáp trong Livestream "Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Hiểu đúng ngành - Chọn đúng nghề" lúc 20h ngày 8/6 trên fanpage VTV24 và TikTok Zlife.
Đặc biệt, hướng đến mục tiêu đào tạo gắn với thực tiễn, cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế, ngày 22/4, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ra mắt ban cố vấn doanh nghiệp cho năm chương trình đào tạo gồm Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử hướng đến mục tiêu "Nhà trường phải đào tạo được các nhân sự sao cho doanh nghiệp sử dụng ngay mà không cần phải đào tạo lại".
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - trong buổi lễ ra mắt Ban cố vấn doanh nghiệp ngày 22/4 (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Năm chương trình đào tạo trình độ đại học của Đại học Công nghiệp Hà Nội định hướng theo các tiêu chuẩn kiểm định ABET - bộ tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ (Mỹ). Trong đó, nhiều tiêu chuẩn về khả năng của sinh viên, mục tiêu và chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hỗ trợ của trường đại học.
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết, Ban cố vấn doanh nghiệp sẽ hoạt động tích cực để hỗ trợ HaUI nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: "Nhà trường mời chuyên gia của doanh nghiệp tham gia ban tư vấn cố vấn cho các chương trình đào tạo để rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình để bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. Mời chuyên gia doanh nghiệp đồng giảng chia sẻ thực tiễn tới giảng viên và sinh viên nhà trường. Theo chương trình này, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng sinh viên ngay từ năm thứ 3 Đại học. Khi tốt nghiệp, đối tác cam kết sẽ nhận các bạn vào làm việc".
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Công nghệ hóa (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Ban cố vấn doanh nghiệp sẽ là cầu nối "hữu hiệu" giữa trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với các doanh nghiệp. Trong đó, Ban cố vấn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, chỉnh sửa chương trình, phát triển chương trình phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và xu thế phát triển của xã hội, hỗ trợ chương trình thực tập, tham quan doanh nghiệp cho giảng viên và sinh viên. Hỗ trợ các chương trình định hướng việc làm, tuyển dụng sinh viên, tham gia các bài giảng trong chương trình học hoặc hội thảo khoa học giữa giảng viên, sinh viên của nhà trường và doanh nghiệp, tham gia vào các dự án của sinh viên, tài trợ dự án, giải thưởng nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật trong sinh viên.
Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên năm cuối
Gắn đào tạo với thị trường lao động trong đó chú trọng phát triển năng lực toàn diện của người học thông qua môi trường học tập, sinh hoạt, rèn luyện mang tính mở, năng động và sáng tạo là chiến lược của nhà trường. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có trên 100.000 nguyện vọng xét tuyển vào trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm đạt trên 95%.
Mới đây nhất, 83 doanh nghiệp đã có mặt tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tham dự Ngày hội việc làm năm 2023, mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm cho sinh viên. Nhiều sinh viên năm cuối đã ứng tuyển và tìm cho mình được vị trí công việc phù hợp sau khi ra trường.
Ngày hội việc làm 2023 tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Sinh viên Vũ Văn Thắng - Khoa Điện, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - cho biết: "Em mong muốn tìm hiểu các công ty ở quê mình và phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Tại Ngày hội việc làm em đã tìm được một số công ty phù hợp với nhu cầu của mình để có thể lựa chọn làm việc sau khi tốt nghiệp".
Ngày hội việc làm mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm cho sinh viên (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Trên 30 doanh nghiệp Việt Nam, hơn 50 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tham gia ngày hội việc làm năm 2023. 5.000 cơ hội việc làm chờ đón sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra hiện có trên 1000 sinh viên của trường tham gia các chương trình liên kết với các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài, mang lại cơ hội nghề nghiệp và thu nhập tốt cho các em.
Định hướng phát triển thành Đại học
Ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi mô hình, thời gian tới, nhiều trường Đại học, trong đó có trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ trường Đại học thành Đại học.
Theo đó, từ tháng 12/2021, Hội đồng trường trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000).
Dự kiến từ 2023 - 2025, sẽ có thêm 4 trường nữa được thành lập (Lĩnh vực điện - điện tử, cơ khí ô tô, kinh tế quản lý và công nghệ thông tin truyền thông).
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - tại Ngày hội việc làm 2023 (Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Trong lộ trình chuyển đổi, bài toán của chúng tôi là bài toán tái cấu trúc các khoa sẵn có, chứ không phải là bài toán tăng quy mô".
"Ở quy mô của khoa sẽ bị bó hẹp nhiều thứ, khi phát triển thành trường chúng tôi có thể mở các chương trình đào tạo chuyên ngành, được phân cấp để thực hiện xã hội hóa về giáo dục" - TS. Hoàng Ngọc Tuệ - Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ - Du lịch, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - chia sẻ thêm.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội định hướng trở thành Đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng đa năng, phát triển theo mô hình đại học thông minh. Theo lộ trình, đến năm 2025, trường phấn đấu đạt đủ các điều kiện để chuyển thành Đại học theo quy định của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!